MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân tiêu Tết không quá 2,5 triệu đồng

Bảo Hân LDO | 17/01/2023 12:00
2,5 triệu đồng là khoản tiền dự trù để tiêu Tết của chị Dương Thị Dinh - công nhân Cụm công nghiệp Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Là công nhân thu nhập thấp, trong khi có rất nhiều khoản phải trang trải, nên chị Dinh luôn tính toán tiết kiệm từng đồng. 
Chị Dương Thị Dinh dự trù khoản tiền ít ỏi - 2,5 triệu đồng - để tiêu Tết. Ảnh: NVCC 

Cách đây một vài ngày, nữ công nhân đã nhận được lương tháng 12.2022. Cộng cả tiền thưởng Tết Dương lịch, chị được 6,2 triệu đồng. Đến thời điểm này, chị đã tiêu gần hết số tiền trên.

“Tiền đóng học cho con lớn là 1,7 triệu đồng, tiền mua thuốc cho chồng 400.000 đồng, đóng tiền ăn cho con út đang học mầm non, rồi tiền điện, xăng xe… Trong tài khoản ngân hàng của tôi hiện chỉ còn 400.000 đồng” - chị Dinh kể.  

Đến thời điểm này, công ty vẫn chưa chi tiền thưởng Tết Âm lịch cho công nhân. Tuy chưa được nhận khoản tiền này, nhưng chị tự tính mình được 5,3 triệu đồng.

“Thưởng Tết gồm 1 tháng lương cơ bản (4,5 triệu đồng) và 800.000 đồng tiền thâm niên. Như vậy, trước khi nghỉ Tết, tôi sẽ có khoảng gần 6 triệu đồng để lo trong dịp Tết” - nữ công nhân cho hay.  

Chính vì eo hẹp tiền bạc như vậy, nên chị Dinh dự tính không tiêu quá 2,5 triệu đồng trong dịp Tết này. Chị liệt kê các khoản chi trong dịp Tết: Biếu bố mẹ chồng và bố đẻ mỗi người 300.000 đồng, tổng cộng 900.000 đồng; mua vài lạng giò, thịt; mua hoa tươi để bày bàn thờ gia tiên; đi lễ…

Ngoài ra, chị mua cho cháu lớn (năm nay lên lớp 11) một bộ quần áo. Chị không mua quần áo cho cháu nhỏ, vì cháu có thể mặc đồ của người khác cho. Chị cũng không mua cho mình hay chồng bộ quần áo mới nào.  

“Tôi không mua đào, quất để trang trí nhà vì thấy hơi đắt. Mất một vài trăm nghìn mà chỉ dùng được có vài ngày Tết, đối với tôi là rất phí. Trong khi đó, tôi có thể dùng số tiền này để mua những thứ khác thiết yếu hơn, như quần áo, đồ ăn, đồ dùng cho các con…” - chị Dinh tính toán.  

Đối với khoản lì xì, chị Dinh cho rằng, số tiền mừng tuổi tuỳ thuộc vào điều kiện của bản thân, không nên cố phải mừng nhiều so với khả năng tài chính của bản thân. Chị dự định chỉ lì xì 10.000-20.000 đồng cho mỗi cháu nhỏ, gọi là lấy may mắn đầu năm mới.  

“Tổng cộng các khoản dự trù tiêu Tết khoảng 2,5 triệu đồng. Tôi không dám tiêu nhiều hơn, bởi còn nhiều khoản phải chi khác. Ngoài làm công nhân, tôi còn cấy lúa nên phải mua phân đạm để chuẩn bị cho vụ mùa mới.

Nếu tiêu nhiều hơn, ra Tết, tôi sẽ không có khoản nào để chi tiêu cho gia đình. Tôi không muốn phải đi vay để trang trải cho cuộc sống” - chị Dinh tâm sự.  

Chi tiêu tiết kiệm dịp Tết này cũng là chia sẻ của chị Hoàng Thị Thảo - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội.

“Cách đây một vài ngày, tôi đã nhận được thưởng Tết 10 triệu đồng, nhận lương tháng 12.2022 là 8 triệu đồng” - chị Thảo cho hay.  

Có tiền trong tài khoản, nhưng nữ công nhân chỉ rút 3 triệu đồng để mua quần áo cho con dịp Tết cũng như để trả chi phí đi lại. Chị dự trù tiêu không quá 7 triệu đồng trong dịp Tết này.  

Chị Thảo không dám chi tiêu mạnh tay vào dịp Tết bởi lo lắng ra Tết, cuộc sống gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn. Thu nhập cao nhất trong 1 tháng của chị là 9 triệu đồng, nhưng thời gian vừa qua, công ty ít việc, ít tăng ca nên con số này giảm còn 7-8 triệu đồng. 

Chị Dinh, chị Thảo là 2 trong số rất nhiều công nhân đón Tết với cách chi tiêu của những người còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Dù vậy, họ vẫn mong có một cái Tết ấm áp, đủ đầy bên người thân, gia đình mình sau một năm làm việc vất vả. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn