MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học mới bắt đầu, các cháu bắt đầu đi học sẽ giúp anh Vương vơi đi phần nào việc phải trông con. Ảnh: NVCC

Công nhân tìm cách tiết kiệm, lo cho con vào năm học mới

LƯƠNG HẠNH LDO | 31/08/2022 07:00
Học sinh đi học giúp phụ huynh là công nhân sẽ bớt nỗi lo phải nghỉ việc hoặc đổi ca để ở nhà chăm con. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến họ có thêm lo toan trước nhiều loại chi phí khi các con bước vào năm học mới.

Tiết kiệm tiền cho con vào lớp 1

Xuống KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) làm việc từ năm 18 tuổi, đến nay, anh Đỗ Văn Vương (SN 1994, quê Bảo Yên, Lào Cai) đã làm công nhân được 9 năm. Vợ chồng anh Vương đã có 2 con nhỏ, một cháu học lớp 1, một cháu được hơn 1 tuổi. 

Đầu năm học mới, vợ chồng anh Vương phải sắm đủ các loại sách giáo khoa, đồng phục... cho con trai. “Chưa vào học nhưng các loại phí đồng phục, quỹ lớp... đã mất 5-7 triệu đồng trong khi lương của cả hai vợ chồng chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/tháng”, nam công nhân chia sẻ.

Có hai con nhỏ, để tiết kiệm tối đa số tiền phải chi, vợ chồng anh Vương thường làm trái ca để luân phiên nhau trông con. “Vợ làm ca đêm thì tôi làm ca ngày, như vậy sẽ đỡ được chi phí thuê người trông con. Bây giờ cái gì cũng phải lo, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Phải dồn chi phí cho đứa đầu tiên vào lớp một”, anh Vương bày tỏ. 

Phòng trọ của anh Vương có giá thuê 1,5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện, nước. Những tháng nóng đỉnh điểm vừa qua, hai vợ chồng anh chị đã tốn 3 triệu đồng tiền thuê trọ và điện nước vì sử dụng điều hòa liên tục. Khi được hỏi về nguyện vọng tương lai, anh Vương chỉ cười vì không dám nghĩ thêm.

“Hồi thanh niên không phải lo nghĩ gì, đi làm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Bây giờ còn vợ và hai con, không dễ chi tiêu như trước nữa”, nam công nhân cho hay.

Với mức thu nhập của cả hai vợ chồng hiện tại, mỗi tháng anh Vương chỉ tiết kiệm được 1-2 triệu đồng. Song, dịp năm học mới đã khiến cặp vợ chồng công nhân đổ dồn mọi khoản tiết kiệm để lo cho con trai bước vào lớp 1.

Một năm học “ngốn” mất 1/3 tổng thu nhập

Cách đó không xa, chị Ma Huyền Trang (SN 1987, quê Tuyên Quang) - công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI đang nghỉ ngơi trong phòng trọ sau khi kết thúc ca làm việc ban đêm. Chị Trang đã làm công nhân được gần 10 năm, kể từ khi có con, chị phải lo toan thêm nhiều khoản. Có một con gái năm nay học lớp 3, để tiện chăm con, chị Trang đưa con lên ở trọ cùng và xin học cho cháu tại Trường Tiểu học Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).

Khi được hỏi về các khoản phải chi đầu năm học, chị Trang nói: “Tốn nhiều lắm. Chưa họp phụ huynh nên tôi cũng chưa được thông báo cụ thể về các khoản cần phải đóng góp. Tôi chỉ mới mua sách vở, sắm quần áo... đã hết gần 2 triệu đồng. Tới đây chắc chắn sẽ phải đóng nhiều hơn”.

Với mức lương cơ bản khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng, tiền học của con gái đã khiến chị Trang chi hết 1/3 tổng thu nhập trong một năm. Tuy nhiên, theo chị Trang số tiền này chỉ mới đóng tại trường học, chưa tính các khoản học thêm. Vì bận công việc, vợ chồng chị Trang không phải lúc nào cũng làm trái ca để ở nhà với con. Việc cho con đi học thêm vừa tránh để con gái ở nhà một mình, vừa hỗ trợ việc học của con một cách tốt nhất. 

“Không phải lúc nào hai vợ chồng cũng có thể trái ca nhau để ở nhà trông con. Hàng xóm cũng không nhờ mãi họ trông con mình được. Con ở một mình rất nguy hiểm. Tôi cho con đi học thêm vừa tránh để con một mình ở nhà, vừa tạo điều kiện học tập tốt hơn cho con, giúp các cháu không quá sa đà vào việc xem tivi, điện thoại”, nữ công nhân chia sẻ. 

Vợ chồng chị Trang Cho con đi học thêm 3 môn: Toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Một buổi học hết khoảng 60.000 - 70.000 đồng. Một tháng học từ 12-15 tuổi đã tốn mất của chị Trang gần 1.000.000 đồng.

“Nhà còn khó khăn, thiếu thốn, không sắm sửa được nhiều cho các con thì cũng cố gắng để các con có đủ những gì thực sự cần thiết” - chị Trang tâm sự. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn