MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân lao động của một doanh nghiệp tại Bắc Giang. Ảnh: N.H

Công nhân tin tưởng nhiều vấn đề sẽ sớm được giải quyết

Bảo Hân LDO | 14/06/2022 07:41
Chương trình Thủ tướng gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động tại Bắc Giang (Chương trình) đã kết thúc, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với cán bộ Công đoàn, người lao động. Họ đều tin tưởng nhiều vấn đề của công nhân lao động đã được đưa ra tại buổi đối thoại sẽ có những thay đổi, chuyển biến trong thời gian tới.

Mong sớm được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà, chế độ ốm đau 

Chị Bùi Thị Ngà (Cty Crystal Martin) là công nhân hoàn cảnh khó khăn được trực tiếp tham dự Chương trình. Chị Ngà cho biết, tại chương trình ý nghĩa này, những vấn đề của công nhân lao động phản ánh, kiến nghị và được Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện các bộ, ngành trả lời, giải đáp đều là những vấn đề mà những người lao động trực tiếp như chị rất quan tâm. “Tôi quan tâm nhất là đến vấn đề bảo hiểm xã hội (đề xuất giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, từ 20 năm xuống 15 năm và có thể còn 10 năm là đủ điều kiện nhận lương hưu). Như vậy, công nhân lao động sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong hưởng lương hưu, yên tâm làm việc và tin tưởng hơn vào chính sách bảo hiểm xã hội” - chị Ngà bày tỏ.  

Ngoài ra, chị Ngà còn rất quan tâm đến vấn đề chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Như nhiều công nhân xa quê khác, hiện chị đang thuê nhà trọ. Một tháng, chị Ngà phải trả tiền thuê nhà và điện nước là 1,3-1,4 triệu đồng/tháng. “Tôi đã làm hồ sơ nhưng hiện vẫn chưa được hưởng hỗ trợ. Tôi mong sớm được hưởng khoản tiền này để cuộc sống bớt đi khó khăn” - chị Ngà chia sẻ. 

Một vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội chị Ngà rất muốn nêu lên nhưng chưa có cơ hội, đó là tình trạng nhiều người lao động tại Bắc Giang bị F0, tự điều trị tại nhà nhưng chưa được hưởng chế độ ốm đau do chưa được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Nữ công nhân này bị nhiễm COVID-19 từ tháng 2.2022, nhưng đến nay, sau 4 tháng, vẫn chưa được giải quyết chế độ. Chị Ngà mong vấn đề này sớm được giải quyết để những người lao động như chị được hưởng quyền lợi như ở các địa phương khác, không bị thiệt thòi. 

Chị Ngà một mình nuôi con bị bệnh tan máu bẩm sinh. 11 năm nay, con chị phải thường xuyên vào viện để chữa trị, truyền máu, rất tốn kém. Trong khi đó, thu nhập của chị chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng. “Được nhận quà trực tiếp từ Thủ tướng, tôi sẽ dành để điều trị bệnh cho con” - chị Ngà nói.  

Mong sớm tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch CĐ Cty May xuất khẩu Hà Bắc (Bắc Giang) là một trong những cán bộ Công đoàn trực tiếp nêu kiến nghị tới Thủ tướng tại Chương trình đối thoại. 

Chủ tịch công đoàn cơ sở này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội, vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, thời giờ làm việc. Ông Hùng cho biết, ngay tại buổi đối thoại, Thủ tướng giao cho các ban ngành tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra. 

“Tôi rất vui vì được trực tiếp nêu vấn đề trên tại buổi đối thoại. Điều quan trọng nhất là ý kiến đó đã được gửi đến với Thủ tướng để người đứng đầu Chính phủ nắm được và chỉ đạo sát sao vấn đề này. Tôi tin tưởng thời gian tới, vấn đề nợ bảo hiểm xã hội sẽ được xử lý rốt ráo, đảm bảo quyền lợi của người lao động” - ông Hùng bày tỏ.

Ông Ngô Quyết Thắng - Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương tỉnh Bắc Giang - nói, cảm nhận đầu tiên của ông về Chương trình đối thoại là thông tin tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2022 được Thủ tướng đưa ra tại chương trình khiến người lao động rất phấn khởi. Tuy nhiên, ngoài lương tối thiểu vùng, ông Thắng còn mong muốn thời gian tới có thể tăng lương cơ sở cho CBCCVC sau 3 năm chưa được tăng. 

Ngoài ra, sau buổi đối thoại, ông Thắng hy vọng chính sách về bảo hiểm xã hội sẽ được điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian sắp tới (giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu). Cùng với đó, dù có nhiều vướng mắc trong vấn đề nhà ở, thiết chế cho người lao động (về quỹ đất, vốn đầu tư, cơ chế quản lý…), nhưng ông Thắng hy vọng sẽ dần dần có chuyển biến trong tương lai để cuộc sống của người lao động thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn