MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân ngành may trở lại làm việc đầy đủ ngay từ đầu năm mới. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Công nhân trở lại làm việc sau Tết: Có công đoàn, công nhân gắn bó với doanh nghiệp (kỳ cuối)

NHÓM PV LDO | 28/02/2018 06:20

Theo đánh giá của các cán bộ công đoàn (CĐ) cũng như người lao động, sở dĩ tại các KCN, tỉ lệ công nhân (CN) trở lại làm việc cao, lao động không biến động là do nhiều DN đã có những chính sách quan tâm hơn đến CN; tổ chức CĐ cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đến lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ trong năm 2017.

Sự quan tâm của tổ chức CĐ

Theo ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Giang - vào ngày đầu tiên đi làm của năm mới, tỉ lệ CN đi làm là 90-93%; ngày thứ 2 là 95%. Sở dĩ vẫn còn tỉ lệ CN vắng là do một số DN lớn có nhiều CN trong tỉnh trở lại sản xuất muộn (mùng 10 Tết) và một số CN có quê ở xa. Ông Ngô Đức Thắng đánh giá đầu năm 2018, lao động đã trở lại làm việc ổn định. Nguyên nhân là bởi trong năm 2017, các cấp CĐ đã phối hợp với chuyên môn có nhiều hoạt động chăm lo đến đoàn viên, NLĐ, nhất là dịp trước, trong tết, như: Chăm lo tốt về lương, thưởng tết; tặng quà cho CN; tổ chức bốc thăm trúng thưởng, trao lì xì cho CN. Điều đó khiến NLĐ cảm thấy gắn bó lâu dài với Cty, tránh tâm lý “nhảy việc”.

Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội - cho biết: “Tại các DN trong các KCN-CX Hà Nội, tỉ lệ CNLĐ lên làm việc đúng lịch của đơn vị năm nay cao hơn năm ngoái, trung bình là 98-99%. Đặc biệt có những DN đạt tỉ lệ 100% số CNLĐ đi làm đúng lịch. Theo ông Toản, tỉ lệ CNLĐ lên làm được đúng lịch có sự góp sức to lớn của những chuyến xe miễn phí được CĐ phối hợp với DN tổ chức để đưa CN về quê ăn tết.

Không chỉ tại Bắc Giang, Hà Nội, tại các địa phương khác, nguyên nhân CN quay trở lại làm việc cao cũng là bởi nhiều DN đã quan tâm hơn đến NLĐ; cũng như tổ chức CĐ từ cấp Tổng LĐLĐVN đến CĐCS đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực hướng tới từng đoàn viên, NLĐ, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình “Tết sum vầy” được tổ chức ở nhiều nơi đã chăm lo cho CN một cái tết ấm áp, vui vẻ. Ở một số địa phương như Phú Thọ, Nam Định…, các CĐCS có đông đoàn viên, CNLĐ còn tổ chức những chương trình “Tết sum vầy” tại đơn vị mình. Điều đó khiến NLĐ gắn bó, tin tưởng hơn với DN; tạo tâm lý hứng khởi, vui vẻ để quay trở lại làm việc sau tết.

Tập trung công việc ngay từ đầu năm

Chủ tịch CĐ Cty TNHH May Texhong (tỉnh Thái Bình) Nguyễn Thị Thủy cho biết, Cty bắt đầu làm việc từ ngày 22.2 (tức mùng 6 âm lịch). CN tới Cty trong ngày đầu năm đạt tới 96%, do đó không làm ảnh hưởng tới sản xuất chung của DN. Mặt khác, Cty cũng đã chuẩn bị dự phòng phương án bố trí sản xuất trong trường hợp thiếu hụt nhân lực. Hiện số lao động quay trở lại Cty tăng dần theo từng ngày. Những người chưa đến làm việc chủ yếu là những CN ở xa xin dồn nghỉ phép vào đầu năm để lo công việc gia đình hoặc đi tham quan, đi lễ chùa... Về yếu tố khiến số lượng CN trở lại làm việc sau tết tương đối cao, bà Thủy cho biết, chế độ đãi ngộ của Cty khá tốt, đặc biệt lương thưởng rõ ràng và trả hết cho NLĐ vào dịp cuối năm. Trong đó, ngoài thưởng theo lương cơ bản, Cty còn thưởng theo sản lượng và thâm niên (với người có trên 10 năm gắn bó với Cty có mức thưởng cao hơn 30%).

Chủ một khu nhà trọ dành cho CN tại thôn Mai Châu (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, đến tối mùng 5 Tết (20.2), khu nhà trọ cơ bản đã được “lấp đầy”; chỉ có 1-2 người vắng là các nữ CN đang trong thời gian nghỉ thai sản ở quê. CN lên sớm để chuẩn bị cho buổi làm việc đầu tiên vào ngày mùng 6 Tết (21.2). Khu trọ của ông có tất cả 16 phòng, đều dành cho các cặp vợ chồng CN. Ông chia sẻ, ông rất vui khi thấy CN đi làm đầy đủ, bởi điều đó khiến việc kinh doanh nhà trọ sẽ gặp may mắn, thuận lợi trong năm mới. “Qua trò chuyện với CN, họ cho biết hầu hết không sa đà vào các lễ hội đầu năm mà bỏ bê công việc của mình; bởi công việc mới chính là quan trọng nhất, giúp họ mưu sinh, chăm lo cho bản thân và gia đình. Một số CN muốn đi lễ chùa thì họ đều cố gắng thu xếp đi vào ngày nghỉ để tránh khỏi ảnh hưởng đến công việc” - chủ khu trọ này cho biết.

Chị Nguyễn Thị Hằng (CN KCN Thăng Long, đang thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh) chia sẻ, trước đây, với tâm lý “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, nhiều CN còn mải tham gia các lễ hội ở quê rồi mới bắt đầu trở lại các KCN. Đặc biệt, như nhiều người dân khác, họ rất coi trọng Rằm tháng giêng. “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng giêng”, CN nghỉ tết rồi nghỉ luôn qua Rằm tháng giêng mới gói ghém đồ đạc lên tìm công việc mới. Thế nhưng, giờ đây dường như thói quen trên đã thay đổi. CN đã chủ động trở lại làm việc sớm ngay từ những ngày đầu năm mới. “Tôi vẫn tổ chức cúng Rằm tháng giêng ở khu trọ. Điều đó vừa giữ được truyền thống của dân tộc; vừa tốt cho công việc của mình đầu năm mới” - chị Hằng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn