MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thay vì về quê hay đi chơi lễ, anh Lê Công Quốc quyết định ở lại phòng trọ làm việc. Ảnh: Phương Ngân

Công nhân tự tạo niềm vui ngày nghỉ lễ

Phương Ngân LDO | 02/09/2023 10:37

Kỳ nghỉ lễ 2.9 kéo dài 3-4 ngày, nhiều lao động không có điều kiện để về quê, họ chọn ở lại thành phố, đi chơi đây đó... Trong giai đoạn đơn hàng khó khăn, ai cũng sống tằn tiện, tự tạo niềm vui cho mình...

“Không về quê” - là câu trả lời của hầu hết người lao động khi được hỏi về kỳ nghỉ lễ 2.9. Những người lao động lựa chọn ở lại phòng trọ, thay vì đi du lịch hay về quê là muốn dành dụm tiền phòng khi ốm đau và lo cho con cái ăn học.

Có những người không về quê, ở lại thành phố tiếp tục hành trình mưu sinh. Anh Lê Công Quốc (34 tuổi, quê Đồng Tháp) là một trong số đó.

Căn phòng trọ rộng hơn 10m2 trên đường Nguyễn Triệu Luật, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM là nơi làm việc của anh Quốc cùng 5 - 6 người khác. Họ là những người lao động từng là công nhân nhà máy đã nghỉ việc ra may gia công tại nhà.

Anh Quốc chia sẻ, áp lực sản lượng khiến anh quyết định nghỉ việc tại nhà máy để ra làm việc tự do. Mặc dù không có nhiều chế độ như khi làm việc tại nhà máy nhưng anh có thể chủ động được công việc và thời gian. Mỗi chiếc áo may hoàn chỉnh sẽ được trả 6 nghìn đồng, trung bình mỗi tháng tổng thu nhập kiếm được khoảng 40 - 50 triệu đồng, số tiền này sẽ chia đều cho những người lao động làm cùng, mỗi người được hơn 7 triệu đồng. Thời gian gần đây đơn hàng khó khăn nên nguồn hàng gia công của anh Quốc cũng hạn chế.

Anh Quốc cho biết, mặc dù quê ở miền Tây có thể đi xe máy về nhưng anh lựa chọn ở lại để làm việc, vừa để tiết kiệm chi phí vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

“Về quê tốn kém chi phí nên tôi ở lại phòng trọ để may hàng, giờ có được nhiêu hàng thì may bấy nhiêu. Tranh thủ làm để có thêm thu nhập lo cho con cái...” - anh Quốc chia sẻ.

Có thâm niên 12 năm làm công nhân tại một doanh nghiệp trên địa bàn quận Bình Tân, hơn ai hết chị Nguyễn Thị Thúy (31 tuổi, quê Hà Tĩnh) hiểu những khó khăn của công nhân lao động, đặc biệt với những người quê ở xa như chị.

Với thu nhập 11 triệu đồng/tháng, chị Thúy dành một phần trả tiền nhà trọ, ăn uống, đi lại...; số còn lại, chị gửi về quê để cha mẹ lo cho 2 đứa em ăn học.

“Mỗi lần về quê tốn rất nhiều tiền nên ngày lễ tôi thường ở lại TPHCM, dành tiền cho các em ăn học. Ngày lễ, tôi thường tranh thủ thăm họ hàng vì ngày thường đi làm bận bịu không có thời gian...” - chị Thúy chia sẻ.

Nghỉ lễ, khi nhà máy nhộn nhịp đơn hàng hay lúc khó khăn, với bản tính chắt chiu cần cù, đa số lao động xa quê chọn hình thức nghỉ ngơi, vui chơi tiết kiệm, phù hợp. Với họ, dành dụm lo cho tương lai là điều quan trọng nhất...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn