MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn phòng có giá thuê 600.000 đồng/tháng của công nhân. Ảnh BH

Công nhân từng "khất" tiền thuê trọ mừng rỡ khi được hỗ trợ về nhà ở

THƯ PHƯƠNG LDO | 07/02/2022 16:12
Với đồng lương eo hẹp, công nhân ở tỉnh lẻ phải chi từ 500.000 – 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà trọ mỗi tháng. Những đợt ảnh hưởng dịch COVID-19, không ít lần họ phải "khất" khoản tiền này.

Chị Hàn Thị Phương (SN 1983, ở Vĩnh Phúc) đang làm công nhân tại Công ty TNHH Denso Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội). Hơn chục năm làm việc tại thủ đô, chị Phương cùng chồng thuê trọ tại xã Đại Mạch (Đông Anh, Hà Nội).

Phòng trọ mà chị đang ở rộng chừng 15m2, chật kín đồ đạc. Ngoài khu vực nấu nướng, căn phòng cũng chỉ đủ kê một chiếc giường ngủ. Vì điều kiện sinh sống không đảm bảo, chị buộc để hai con ở nhà bà nội trông nom, chăm sóc.

Theo chị Phương, nơi này chỉ chỗ “sống tạm” do gần công ty mà chị làm việc. Trong tổng thu nhập một tháng của hai vợ chồng, chị Phương buộc bỏ ra 1,5 triệu đồng trả tiền thuê trọ. Với những người lao động, chi phí thuê nhà cũng “ngốn” mất một khoản kha khá. 

Căn phòng vỏn vẹn 10m2 mà anh Nguyễn Quốc Thái (31 tuổi, quê ở Phú Thọ) thuê trọ chỉ đủ để kê chiếc giường và đặt bếp ga mini. Nơi thuê trọ chật chội, xuống cấp, mỗi tháng, anh Thái chi 500.000 đồng (chưa tính tiền điện, nước) cho việc thuê trọ.

Anh Thái đã có vợ và 2 người con, nhiều lần đắn đo chuyện đón vợ con lên thành phố rồi xin cho vợ cùng làm công ty nhưng anh vẫn chưa thực hiện được vì nơi ở không ổn định.

“Muốn có nơi ở rộng rãi, sạch sẽ hơn cho cả gia đình thì phí thuê cũng sẽ cao hơn, khoảng 1 triệu – 1,5 triệu đồng/ tháng. Lương của tôi khoảng 8 triệu/tháng, trong khi có vô số thứ cần chi, không thể dùng quá nhiều tiền cho việc thuê trọ” – anh Thái cho biết.

Năm vừa qua, dịch bệnh ảnh hưởng, đã có thời gian gần 2 tháng nhóm công nhân như anh Thái không được đi làm, phải sống bằng trợ cấp ngưng việc của công ty.

Anh Thái nhớ lại quãng thời gian đó, nam công nhân cho hay, có tháng anh phải “khất” tiền thuê trọ vì không có thu nhập.

Về gói hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động, anh Thái tuy chưa nắm rõ nhưng cũng tỏ ra mừng rỡ: “Với công nhân ngoại tỉnh phải thuê trọ để mưu sinh, được hỗ trợ đồng nào quý giá đồng đó”.

Trước ngày 15.2.2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình với Chính phủ, báo cáo với Thường vụ Quốc hội thông qua việc tiến hành giải ngân 6.600 tỉ đồng hỗ trợ người lao động cũng như chính sách cho vay phục hồi sản xuất.

Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 do Quốc hội ban hành, nội dung phục hồi an sinh, trong đó vấn đề được quan tâm nhất là phục hồi thị trường lao động.

Theo đó, người lao động sẽ được vay tiền với lãi suất thấp để phát triển sản xuất với mức vay có thể lên đến hàng trăm triệu. Cùng với đó, 6,6 nghìn tỉ tiền mặt để hỗ trợ cho người lao động với 2 đối tượng khác nhau.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho hay, đối tượng lao động đang ở tại chỗ thì được hỗ trợ 3 tháng, còn trường hợp để khuyến khích người lao động quay lại thị trường lao động trước đây thì cũng hỗ trợ 3 tháng nhưng mức cao gấp đôi so với mức mà người đang ở lại.

Giao cho Ngân hàng chính sách được sử dụng một khoản tiền tương đối lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất rất thấp để doanh nghiệp xây dựng nhà, xây dựng ký túc xá, xây dựng nhà cho công nhân và cho công nhân mua hoặc thuê.

Bên cạnh đó, lấy một khoản nữa từ ngân sách nhà nước cho người công nhân có thể vay với lãi suất thấp để người công nhân mua nhà với giá rẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn