MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mong mỏi của chị Hiền là không phải vác gạo qua 12 tầng nhà mỗi khi thang máy hỏng. Ảnh: Ngọc Tú.

Công nhân vác gạo leo 12 tầng khi thang máy hỏng: Trách nhiệm thuộc về ai?

LƯƠNG HẠNH LDO | 07/08/2023 06:34

Việc thang máy của tòa nhà CT1A (khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) liên tục hỏng khiến cư dân sinh sống tại đây gặp nhiều bất tiện, ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Quản lý tái định cư và Nhà xã hội, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho rằng: “Trách nhiệm không phải của chỉ một ban ngành nào đó”.

Hậu quả thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân

Tại tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách" được tổ chức vào sáng 6.8, chị Nguyễn Thị Hiền - Công nhân Công ty Panasonic Việt Nam - cư dân toà nhà CT1A cho biết, với mức thu nhập khi chỉ được đi làm giờ hành chính và đang nuôi 2 con nhỏ, chị luôn phải thắt chặt hầu bao.

Khi được hỏi về mong muốn hiện tại, chị Hiền bày tỏ, mức giá thuê nhà ở xã hội cần phù hợp với công nhân. Bên cạnh đó, việc di chuyển của các cư dân tầng cao mỗi khi thang máy toà nhà xảy ra hỏng rất vất vả.

“Gia đình tôi ở tầng 12 của toà nhà. Thang máy của toà nhà thường xuyên bị hỏng, trục trặc. Mỗi lần mua gạo, mua gas, chúng tôi phải đi bộ leo lên tầng cao. Việc đi lại hết sức nan giải” – chị Hiền tâm tư.

Tình trạng công nhân khốn khổ vì thang máy hỏng đã từng được Báo Lao Động nhiều lần phản ánh. Ảnh: Bảo Hân.

Trước đó, Báo Lao Động đã từng có nhiều bài viết về vụ việc thang máy toà nhà CT1A (khu nhà ở công nhân Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của cư dân. Tình trạng nảy xảy ra từ cuối năm 2021 và cho đến đầu năm 2022 vẫn tiếp diễn.

Chiều ngày 6.8, theo phản ánh từ một số cư dân khác của toà nhà, dù thang máy đã được sửa nhưng chỉ được vài ngày lại "đâu vào đấy".

Cũng tại toạ đàm, phóng viên Báo Lao Động đặt câu hỏi với ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Quản lý tái định cư và Nhà xã hội, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội về vấn đề trên.

Ông Dũng cho rằng, vấn đề thang máy tại toà nhà CT1A là hậu quả của việc thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân.

Theo ông Dũng, đề án đầu tiên là xây nhà ở cho công nhân để cho các khu công nghiệp – chế xuất mua lại, cho công nhân thuê. Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài khi vào khảo sát thì thấy đề án không đáp ứng được tiêu chuẩn của họ, cho nên, họ không mua và thành phố chuyển sang hình thức cho công nhân thuê. Do đó, từ việc thiết kế, thi công đến đầu tư có rất nhiều vấn đề và thang máy CT1A là một trong số đó.

Cụ thể hơn, ông Dũng chỉ ra rằng, khi thiết kế thang máy, hố thang máy chạy theo đường ray và được kéo bởi hệ thống ròng rọc.

“Khi thiết kế một chủng loại nhưng đến khi thi công thì họ không nhập được chủng loại đó. Họ phải thay bằng thang khác nhỏ hơn so với hố thang. Có nghĩa là họ phải làm hệ thống câu móc từ thành hố thang ra đường ray. Qua quá trình sử dụng, nó đã không đúng với tiêu chuẩn thiết kế nhưng vẫn đưa vào sử dụng cho kịp tiến độ thi công với khu thí điểm này. Đấy là cái bất cập”, ông Dũng cho hay.

“Trách nhiệm không phải của chỉ một ban ngành nào đó”

Qua quá trình sử dụng, ban đầu, thang máy không có vấn đề. Nhưng chỉ qua 1 năm, hệ thống thang xuống cấp rất nhanh chóng.

Theo ông Dũng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đề xuất thay lại thang nhưng nguồn kinh phí rất lớn, cơ quan thẩm duyệt phương án sửa chữa, cải tạo là Sở Xây dựng Hà Nội không chấp nhận. Còn khi đưa sang Sở Tài chính cũng không được duyệt tiền đầu tư.

Ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Quản lý tái định cư và Nhà xã hội, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú.

Việc hỏng đâu sửa đấy dẫn đến trục trặc không thể khắc phục. Đến hiện nay, công ty này chưa được duyệt dự toán để đưa vào sửa chữa.

“Chúng tôi chỉ có phương án đề xuất sửa chữa, lập dự toán tính, còn thẩm duyệt là Sở Xây dựng, Sở Tài Chính và cuối cùng là Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội duyệt dự toán thu chi hằng năm. Khi có tiền rồi, chúng tôi mới đề xuất đơn vị tổ chức thực hiện. Và giá nếu thực hiện quá cao thì phải tổ chức đấu thầu… Quy trình thủ tục về đầu tư xây dựng, bảo trì kéo dài như vậy. Cho nên, trách nhiệm không phải của chỉ một ban ngành nào đó” – vị trưởng phòng nói.

Trong khi đó, trước đây, khi trả lời Báo Lao Động, Sở Xây dựng Hà Nội cũng không cho rằng, việc thang máy dừng hoạt động là trách nhiệm của mình.

Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc dừng hoạt động thang máy thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội khi chưa đảm bảo thời gian theo quy định thực hiện công tác lập và trình dự toán thu, chi công tác quản lý vận hành năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn