MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Vũ Thị Duyên đang chăm sóc tóc cho khách. Ảnh: Bảo Hân

Công nhân vật vã kiếm việc làm thêm

Bảo Hân LDO | 30/10/2020 06:50
Dịch COVID-19 khiến thu nhập của công nhân (CN) khu công nghiệp vốn ít ỏi lại càng thêm teo tóp. Để trang trải cho cuộc sống thiếu thốn, rất nhiều CN đang phải “nai lưng” kiếm thêm công việc khác.

Vừa làm công nhân, vừa làm thợ cắt tóc, gội đầu

Trưa 28.10, sau cả buổi sáng miệt mài chăm sóc tóc cho khách, chị Vũ Thị Duyên (24 tuổi) ăn tạm bữa “cơm bụi” 25.000 đồng/suất rồi nằm ngủ trưa ngay tại ghế gội đầu cho khách. Đến 13h30, từ cửa hàng tóc, chị đi thẳng đến công ty (Cty) nằm trong Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) để kịp làm ca chiều.

Quê ở Yên Bái, chị Duyên làm CN được 5 năm nay. Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, thu nhập của chị được khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, có khi lên tới 12 triệu đồng/tháng. Từ khi xảy ra dịch COVID-19, Cty ít việc, chỉ làm ca, khiến thu nhập của chị giảm mạnh, chỉ còn 6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này khiến chị “co kéo” mãi mới đủ trang trải cho cuộc sống.

Trước tình cảnh này, sau thời gian suy nghĩ, chị “cắn răng” bỏ ra 10 triệu đồngtrong số tiền mà chị dành dụm được nhiều năm qua để theo học một khoá cắt tóc, gội đầu.

Từ tháng 3.2020, ngoài làm việc tại nhà máy, chị Duyên đi học nghề tại một salon tóc khá lớn ngay cạnh UBND xã Kim Chung. Đến thời điểm này, chị đã là thợ phụ vừa học, vừa làm với mức thù lao khoảng 1 triệu đồng/tháng. “Cửa hàng cho mình làm để biết được nghề là tốt lắm rồi” - chị cho biết.

Nữ CN có gương mặt khá ưa nhìn này dự tính sang năm mới có thể tự tin làm nghề. Khi đó, chị sẽ tiếp tục làm tại cửa hàng tóc để kiếm thêm thu nhập bên cạnh đồng lương CN. “Về lâu dài, tôi dự định sẽ mở cửa hàng cắt tóc, gội đầu riêng” - chị Duyên chia sẻ.

Chạy xe ôm công nghệ, làm shipper

Nếu như nữ CN hay chọn những nghề như cắt tóc, làm móng (nail), bán hàng online… để làm thêm thì nam CN thường chọn nghề chạy xe ôm công nghệ, shipper (giao hàng) là nghề “tay trái”.

Anh Đào Hoài Sơn (33 tuổi, quê Tuyên Quang) làm CN Công ty FCC (chuyên sản xuất linh kiện xe máy, ôtô tại KCN Thăng Long) đã 7 năm nay. Dịch COVID-19 đã khiến công ty ít việc, thu nhập của anh chỉ còn 6,6 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm CN cùng công ty. Do làm việc lâu năm hơn, thu nhập của chị hiện được 7 triệu đồng/tháng.

Thực ra, anh làm thêm nghề xe ôm, shipper đã được 3 năm nay, nhưng thời gian gần đây, thu nhập giảm do dịch COVID-19 khiến anh càng năng đi làm cái nghề “bám mặt đường” này hơn.

Sau khi tan ca làm việc (từ 6 giờ đến 14 giờ), anh Sơn trở về phòng trọ. Trên đường về, anh bật ứng dụng để tìm khách. Nếu có khách, anh sẽ đi làm luôn. Nếu buổi chiều vợ anh có thể về sớm đón con, anh sẽ sang luôn khu vực nội thành Hà Nội bởi bên đó mới có đông khách. Còn nếu chiều nào vợ bận làm, anh Sơn sẽ đi đón con vào lúc 16g15, làm việc nhà, chờ vợ về rồi mới đi chạy xe ôm.

Có hôm đến tận 20-21g anh mới trở về phòng trọ. Lúc đấy, vội vàng ăn bát cơm, anh lên giường ngủ rồi sáng hôm sau lại bắt đầu vòng quay mới. Còn nếu làm ở công ty buổi chiều, anh sẽ chạy xe ôm buổi sáng. Vào thứ 7, Chủ nhật, anh cũng tranh thủ vào nội thành để kiếm khách.

Tuy vất vả như vậy, nhưng thu nhập từ xe ôm cũng chẳng là bao. Có hôm, anh Sơn chẳng được đồng nào, có hôm được 100.000 đồng. Hôm nào may mắn, nhiều khách thì được khoảng vài trăm nghìn đồng.

Ngoài chạy xe ôm, anh Sơn còn làm shipper. Thu nhập từ nghề xe ôm, shipper của anh được khoảng 2 triệu đồng/tháng. “Như vậy cũng đỡ cho gia đình rất nhiều rồi”- anh Sơn nói.

Vợ chồng anh cùng con gái 5 tuổi đang thuê trọ tại một phòng với giá 1,2 triệu đồng. Con đang tuổi đi học nên khá tốn kém. Năm ngoái, vợ anh bị thoát vị đĩa đệm, khi khám hết hơn 20 triệu đồng - bằng số tiền cả năm anh chị dành dụm.

“Vợ tôi đang tính đi học làm “nail” để sau này chuyển nghề. Hai vợ chồng chỉ dự định làm một thời gian để có chút vốn rồi về quê thôi, chứ làm CN có lẽ sẽ suốt đời phải sống cảnh nhà trọ, bấp bênh như này”- anh Sơn chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn