MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dù treo bảng cho thuê cả tháng, dãy trọ này vẫn không có khách thuê. Ảnh: Hạnh Hân

Công nhân về quê, chủ trọ ế phòng phải bán bánh mì trang trải cuộc sống

LƯƠNG HẠNH - BẢO HÂN LDO | 28/09/2023 10:03

Công nhân tại các khu công nghiệp bị giảm việc hoặc mất việc, đột ngột thất nghiệp, họ trả phòng trọ về quê. Còn các chủ trọ rơi vào cảnh "ế" phòng, đành chạy xe ôm, bán bánh mì để trang trải cuộc sống.

Tình trạng thất nghiệp chưa dừng

This browser does not support the video element.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, trong quý III, một số ngành giảm nhiều việc làm là sản xuất trang phục, dự kiến giảm 123.000 người; nông nghiệp và hoạt động dịch vụ, giảm 78.000 người; bán lẻ giảm 32.000 người.

Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cũng phần nào kéo số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Hơn 3 năm làm việc tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, vợ chồng chị Nguyễn Thị Vui (quê Thanh Hoá) đã đã trả phòng trọ về quê.

Trước đây, thời gian công ty bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, chị Vui được công ty cho nghỉ nhiều, tổng thu nhập chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng. Còn chồng chị là lao động tự do ở nhà hơn 2 tháng, hoàn toàn không có thu nhập.

Những dãy trọ luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài thời gian gần đây. Ảnh: Hạnh Hân

Hiện nay, mức lương của chị Vui đã khá hơn, được khoảng hơn 5 triệu đồng/tháng. Song, vẫn không đủ để lo toan cho các khoản chi của gia đình khi sống tại Thủ đô.

"Ở quê, tôi phải vay mượn ngân hàng 100 triệu đồng để dựng căn nhà ở. Vừa phải trả nợ ngân hàng, vừa phải ăn uống, sinh hoạt tại Hà Nội và gửi tiền nuôi con ở quê nên tiền cứ về đến đâu là vợ chồng tôi tiêu hết" - chị Vui tâm sự.

Do đó, cặp vợ chồng này quyết định chuyển hẳn về quê sinh sống. Chị Vui tiết lộ, chị sẽ xin làm công nhân may gần nhà để tiện chăm sóc các con.

Chủ nhà trọ đứng ngồi không yên

Công nhân thất nghiệp, trở về quê hoặc đi xin việc ở nơi khác có mức đãi ngộ tốt hơn đồng nghĩa với các phòng trọ sẽ trống công nhân hơn so với trước đây. Thực trạng này đang tiếp tục diễn ra ở các thành phố lớn có khu công nghiệp khiến nhiều chủ nhà trọ lo lắng.

Dãy trọ của bà Phạm Thị Thuỷ đã được xây dựng từ năm 2006, gồm 4 phòng trọ và 2 nhà vệ sinh chung. Thời điểm này, nhiều chủ trọ không có phòng trống cho công nhân thuê, trong đó có bà Thuỷ.

Tuy nhiên, hiện nay, khi các công ty gặp khó khăn, không cung cấp đủ việc làm cho người lao động đã khiến họ chán nản với công việc đã gắn bó nhiều năm.

"Có người xin làm bảo vệ nhưng không đủ yêu cầu nên phải đi xin nấu ăn ở bếp. Có người phải nghỉ việc về quê vì không có khả năng để trang trải chi phí ăn ở đây" - bà Thuỷ nói.

Với giá thuê 600.000 đồng/tháng, dãy trọ của bà Thuỷ vẫn còn những người lao động tự do làm nghề khác đến thuê trọ. Dãy trọ cách đó không xa của bà Lưu Thị Tình có 7 phòng thì chỉ 1 phòng còn công nhân thuê.

Bà Tình phải bán bánh mì để trang trải cuộc sống. Ảnh: Hạnh Hân

"Phòng trọ của tôi xây từ năm 2005, ban đầu có nhiều người ở vì thuận tiện. Tuy nhiên, từ ngày dịch COVID-19 bùng phát, các nhà máy cho công nhân nghỉ và chỉ trả 70% lương. Tình hình này khiến dãy trọ của tôi bỏ không nhiều, có 7 phòng nhưng hiện tại chỉ có một người ở. Gia đình tôi giờ đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thu nhập gần như không có" - bà Tình tâm sự.

Chồng bà Tình là thương binh, ngoài khoản tiền hỗ trợ từ Nhà nước, hai vợ chồng chỉ trông chờ vào dãy trọ gia đình xây dựng từ lâu. Khi rơi vào cảnh "ế" phòng trọ, chồng bà Tình cũng chạy xe ôm kiếm thêm nhu nhập, nhưng không phải cứ đi là có khách thuê. Còn bà Tình mở một xe đẩy bán bánh mì buổi sáng để kiếm thêm thu nhập, nhưng không có công nhân, việc buôn bán của bà cũng không hề dễ dàng.

Theo bà Tình, vợ chồng bà khá hơn nhiều chủ trọ khác trong khu công nghiệp này. Bởi, ông bà đã trả xong khoản nợ vay tiền để xây dựng phòng trọ, cũng không tốn các chi phí như thuê đất... Với nhiều chủ trọ khác, họ rơi vào cảnh lao đao khi công nhân bỏ phố về quê, chưa biết khi nào quay trở lại...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn