MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một khu trọ cho công nhân thuê tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quế Chi

Công nhân về quê vì ít việc, chủ nhà trọ lâm cảnh khó khăn

LƯƠNG HẠNH - QUẾ CHI LDO | 31/07/2023 08:20

Làn sóng cắt, giảm nhân sự kéo dài từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều công nhân tại các khu công nghiệp bị giảm việc hoặc mất việc, đột ngột thất nghiệp; còn các chủ trọ cũng rơi vào tình trạng “đứng ngồi không yên” khi công nhân trả phòng, về quê sinh sống.

Lao động bị thất nghiệp tăng cao

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, trong quý III, một số ngành có nhu cầu giảm nhiều việc làm là sản xuất trang phục, dự kiến giảm 123.000 người; nông nghiệp và hoạt động dịch vụ, giảm 78.000 người; bán lẻ giảm 32.000 người.

Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cũng phần nào kéo số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Sau 18 năm làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1987) không nghĩ mình thất nghiệp khi đã gần 40 tuổi. Quyết định xin nghỉ việc trong thời điểm này với chị là chuyện cực chẳng đã. Bởi, nếu tiếp tục ở lại, chị sẽ càng thêm hoang mang khi chờ đợi công ty có việc làm cho công nhân. Ngược lại, nếu tự nguyện xin nghỉ tức là chị sẽ phải rời khỏi nơi mình gắn bó, cống hiến, nuôi sống gia đình trong nhiều năm. Không chỉ vậy, với độ tuổi gần 40, chị càng không biết bước tiếp theo cần phải làm gì.

Có tấm bằng kỹ thuật của một trường cao đẳng nghề, anh Đàm Văn Thủy (Thanh Ba, Phú Thọ) xin vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long từ năm 2009. Sau 14 năm làm việc, mức lương của anh là 14 triệu đồng/tháng. Nay, thu nhập của anh cũng giảm sút chỉ còn khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Vợ anh cũng từng làm công nhân tại khu công nghiệp này. Việc ít, con nhỏ, chị nghỉ việc về quê, xin làm công nhân giày da gần nhà để tiện chăm sóc con hơn. “Nếu tiếp tục bị giảm việc như thế này, có lẽ tôi cũng về quê với vợ con” - anh Thủy bày tỏ.

Chủ trọ lao đao

Công nhân tự xin nghỉ việc, hoặc đi xin việc ở nơi khác có mức đãi ngộ tốt hơn đồng nghĩa với các phòng trọ sẽ trống công nhân hơn so với trước đây. Thực trạng không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn diễn ra căng thẳng ở Bắc Ninh khiến nhiều chủ nhà trọ rất lo lắng.

Ông Nguyễn Quang Thắng - chủ nhà trọ tại phường Phương Liễu, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh - cho biết: “Chỉ khoảng 2/3 số phòng có công nhân thuê trọ. Nhà tôi nằm ở vị trí thuận lợi nên hiện tại cả 12 phòng vẫn có công nhân thuê trọ. Ở nhiều khu khác, theo tôi được biết, số phòng bỏ trống khá nhiều”.

Theo ông Thắng, nguyên nhân các khu nhà trọ vắng công nhân là nhiều công ty ít đơn hàng, công nhân ít việc làm, nên tự xin nghỉ, trả phòng, về quê. Nhiều công ty ở nơi khác đi vào hoạt động, mức thu nhập tốt hơn nên có những công nhân bỏ công việc hiện tại để đi tìm công việc mới. “Bên cạnh những người chủ động xin nghỉ việc, cũng có những công nhân mặc dù vẫn muốn làm việc tiếp nhưng doanh nghiệp không ký tiếp hợp đồng lao động sau khi hết hạn, hoặc chấm dứt hợp đồng” - chủ nhà trọ này cho hay.

Thời gian này, bà Trương Thị L - chủ nhà trọ tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh “đứng ngồi không yên”. Khu trọ do bà làm chủ có tổng cộng 30 phòng, hiện chỉ có 12 phòng có công nhân thuê. “Có công nhân hết hợp đồng lao động nhưng không được công ty ký tiếp, nên đành ngậm ngùi trả phòng” - bà Trương Thị L cho hay. Công nhân hầu như không có tích lũy, nên rất khó để họ xoay xở trong quãng thời gian không có việc làm, trong khi tiền thuê trọ vẫn phải trả, tiền ăn uống, sinh hoạt… vẫn phải chi.

Chủ nhà trọ này cho biết, trước đây, mỗi khi công nhân chuyển đi là ngay sau đó sẽ có người đến; còn hiện nay, người chuyển đi, phòng trống nhưng để cả tháng vẫn chưa có ai hỏi thuê.

“Nhiều chủ nhà trọ đang lâm vào tình cảnh khó khăn khi phải trả lãi ngân hàng hàng tháng do vay mượn để xây khu trọ. Tôi may mắn không phải vay nên còn cầm cự được, nhưng cả nhà phải “nai lưng” đi buôn bán thêm ở ngoài để đảm bảo cuộc sống” - bà L chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn