MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân với những dự định công việc trong năm mới

PHƯƠNG NGÂN - NGUYỄN LY LDO | 24/01/2023 08:00

TPHCM – Khép lại năm 2022 với nhiều biến động, nhiều công nhân bị mất việc, giảm giờ làm. Với những công nhân mất việc, họ hy vọng tìm được công việc mới sau Tết, còn công nhân bị giảm giờ làm, số chọn tiếp tục gắn bó cùng doanh nghiệp, số khác sẽ đi tìm công việc mới.

Một năm khó khăn đã qua đi

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết, trong năm 2022 vừa qua, những khó khăn do đại dịch COVID-19 để lại đã ảnh hưởng đến thị trường lao động tại TPHCM. Do tình hình khó khăn chung, những tháng cuối năm 2022, một số ngành nghề bị thiếu đơn hàng và hơn 120.000 lượt người lao động bị ảnh hưởng phải nghỉ việc, giảm giờ làm. Trong đó hơn 6.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng.

Nếu như mọi năm, thời điểm cận Tết đơn hàng của các doanh nghiệp sẽ tăng cao, công nhân lo lắng sẽ về quê muộn vì tăng ca nhiều, thì cuối năm 2022, công nhân phải về sớm, có những người chỉ làm việc 3 ngày/tuần.

Chị Đỗ Thị Nam (quê Vĩnh Long) là công nhân tại một công ty trên địa bàn TP. Thủ Đức, TPHCM, nhiều tháng qua chị bị giảm giờ làm do công ty không có đơn hàng. “Một tuần làm chỉ được 3 ngày thôi, thu nhập giảm chỉ còn hơn 4 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cho cuộc sống, chỉ đủ tiền ăn, còn tiền trọ thì không có. Nếu ngày xưa 2 mẹ con ăn khoảng 60 – 70 nghìn đồng/ngày thì trong thời gian khó khăn  tiền ăn phải giảm xuống một nửa, đó là sự thật” – chị Nam chia sẻ.

Chị Nam nghẹn ngào khi nói về cuộc sống khó khăn trong năm 2022. Ảnh: Phương Ngân 

Cùng dãy trọ với chị Nam, chị Ngô Thị Thanh Tuyền (quê Sóc Trăng), làm việc tại Công ty Bowker Việt Nam vẫn còn may mắn hơn vì chị bị giảm giờ làm ít hơn nhiều công nhân khác. “Tuy không được tăng ca và nghỉ ngày thứ 7 nhưng tôi vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người. Lương nếu không tăng ca tôi được hơn 6 triệu đồng/tháng, nếu có tăng ca tôi được thêm khoảng 2 triệu đồng. Không được tăng ca tôi cũng thấy lo lắng vì không đủ tiền xoay xở, nhất là khi Tết vật giá leo thang” – chị Tuyền bộc bạch.

Năm mới với hy vọng một làn gió mới

Công việc bấp bênh cộng với hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, chị Đỗ Thị Nam dự định qua Tết nếu được làm việc  bình thường trở lại chị sẽ tiếp tục gắn bó cùng công ty. 

“Nếu qua Tết công việc trở lại như bình thường thì mình tiếp tục làm, còn không mình sẽ đi xin việc ở công ty khác. Chứ cứ thế này lâu dài sẽ không thể trụ nổi, không thể xoay xở các khoản chi phí cho cuộc sống và món nợ lúc rời quê lên thành phố” – chị Nam trải lòng.

 Khép lại năm 2022, người lao động đón năm mới với nhiều hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Ảnh: Phương Ngân 

Nói về dự định tìm công việc mới sau Tết, chị Ngô Thị Thanh Tuyền (quê Sóc Trăng) chỉ lắc đầu, bởi lẽ thời điểm khó khăn có được công việc đã là điều may mắn.

“Đổi công việc khác thì tôi chưa nghĩ đến vì giờ công ty nào cũng vậy, khó khăn là khó khăn chung. Công ty mình không cắt giảm công nhân thì mình cứ cố gắng duy trì. Giờ nghỉ việc đi xin công việc mới rất khó khăn, còn công việc làm đã là điều may mắn lắm rồi. Chỉ mong sau Tết công việc sẽ tốt hơn, công ty nhiều đơn hàng, mình được tăng ca thường xuyên để tăng thu nhập” – chị Tuyền chia sẻ.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong những tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp sẽ triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhân lực.

Dự kiến, trong quý 1/2023 có 11.550 vị trí việc làm mới, tập trung ở các ngành nghề: lao động phổ thông, da giày - may mặc, chế tạo - chế biến, dịch vụ, kế toán – kiểm toán,…

Mỗi công nhân khi rời quê lên TPHCM lập nghiệp, họ mong muốn có được công việc ổn định để “đổi đời”. Tăng ca là khoảng thời gian mệt nhọc, nhưng đó lại là nguồn sống của những công nhân nghèo. Không được tăng ca, thậm chí làm ít ngày đã khiến nỗi lo về cơm áo gạo tiền càng thêm nặng gánh. Dù vậy, khép lại một năm đầy khó khăn, người lao động vẫn mang hy vọng về một năm mới sẽ tốt đẹp hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn