MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân vui mừng vì được đi làm trở lại. Ảnh: Bích Ngọc

Công nhân vui mừng vì được đi làm, tăng ca trở lại

VÂN HI LDO | 14/04/2023 08:55

Sau những ngày chật vật vì doanh nghiệp gặp khó khiến bị cắt giảm việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, nay nhiều công nhân lại vui mừng vì được đi làm, tăng ca trở lại.

CNLĐ mong muốn đảm bảo việc làm, ổn định thu nhập

Về nhà lúc 20 giờ hơn, công việc phụ may khá khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao nhưng chị Nguyễn Thị Đến (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), công nhân của một công ty may mặc tại Hậu Giang lại vui mừng, phấn khởi vì được đi làm trở lại. 

Trước đó, công ty gặp khó vì thừa công nhân nhưng không đủ đơn hàng khiến nhiều lao động tiếc nuối vì mất việc.

“Tôi bị cắt giờ làm chỉ còn 4 ngày/tuần, nhiều công nhân còn bị cắt việc. Mặc dù lúc nhiều việc cuộc sống cũng khá vất vả nhưng khi công ty cho giãn việc, ít việc, rảnh tay khiến tôi cảm thấy không quen” - công nhân Nguyễn Thị Đến kể lại.

“Cắt việc, giảm giờ làm, thu nhập công nhân giảm đáng kể. Suốt 5 tháng qua, thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 2,5 triệu đồng. Là nguồn thu nhập chính của gia đình, tôi phải vun vén, cắt xén chi tiêu nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Có hôm bữa cơm cũng chỉ qua loa với chút rau mà chẳng có thịt, đến nỗi cái Tết vừa rồi tôi cũng không có tiền ăn Tết” - chị Đến chia sẻ.

Theo nữ công nhân, từ khi công ty giải quyết được khó khăn, ổn định việc làm, anh em công nhân được đi làm trở lại khiến ai nấy cũng vui mừng. Mức lương cơ bản 4,5 triệu đồng, cộng thêm 2 giờ tăng ca mỗi ngày, chị nhẩm tính cuối tháng thu nhập cũng được 7 triệu đồng.

Ngoài ra, chi phí đi lại không tốn đồng nào vì công ty hỗ trợ đưa đón công nhân, cơm trưa cũng ăn tại công ty nên hầu như cuối tháng số tiền vẫn còn nguyên. Tích góp sau 2 tháng được đi làm trở lại mà khoản nợ sửa chữa nhà của nữ công nhân cũng dần được trả xong.

Không còn phải vất vả chi li, cân nhắc thức ăn cho mỗi bữa cơm với số tiền ít ỏi như trước, mà kể từ khi được đi làm trở lại, bữa cơm gia đình cũng có được chút thịt, chút rau.

Vợ chồng nữ công nhân Thu Thủy (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) vui mừng vì được đi làm trở lại sau khoảng thời gian công ty cho giãn việc.

Nghe công ty cho công nhân đi làm lại, hai vợ chồng tôi mừng lắm, ngoài mức lương cơ bản nếu được tăng ca thì thu nhập của 2 vợ chồng cũng khoảng 15 triệu đồng, tiền học phí cho con, sinh hoạt của gia đình cũng đỡ phải lo nghĩ nhiều, nữ công nhân cho biết.

Doanh nghiệp dần vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất

Cũng mang gánh nặng cơm áo gạo tiền như vợ chồng chị Thu Thủy hay chị Nguyễn Thị Đến, nữ công nhân trẻ tuổi Nguyễn Thị Mai Hương (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Gang) còn chật vật hơn trong việc nộp hồ sơ xin việc tại các công ty. 

Sau 3 năm tốt nghiệp THPT, chị Mai Hương trở thành thu nhập chính của gia đình. Theo nữ công nhân, ba mẹ cũng là công nhân nhưng đã quá tuổi lao động nên hiện tại chi phí sinh hoạt gia đình đều từ đồng lương hàng tháng của mình.

“Chật vật lắm tôi mới được nhận vào làm, nhiều lần nộp đơn xin việc ở nhiều công ty nhưng tôi đều nhận được cái lắc đầu vì khoảng thời gian đó doanh nghiệp gặp khó khăn, không có nhu cầu tuyển dụng” - chị Mai Hương cho biết.

Từ ngày có việc làm, chi phí sinh hoạt gia đình đỡ vất vả hơn. Tuy mức lương không quá cao nhưng nhờ tăng ca mà thu nhập mỗi tháng cũng được khoảng 7 triệu đồng. Nhờ vậy, những lúc ốm đau, bệnh tật cũng có thể lo được cho gia đình.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, trong tháng 2.2023, toàn tỉnh đã tạo và giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động, hỗ trợ đưa 17 lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức sàn giao dịch việc làm với doanh nghiệp và người lao động...

“Thực tế, một số doanh nghiệp đã dần vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, thị trường lao động hiện nay vẫn còn gặp khá nhiều biến động và thách thức, nhiều doanh nghiệp vẫn còn “cầm cự” duy trì để vượt qua khó khăn nhất là trong ngành dệt may có thể kéo dài đến quý II/2023” - ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn