MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xét nghiệm COVID-19 cho công nhân Công ty thủy sản Bạc Liêu. Ảnh: Nhật Hồ

Công nhân vùng đỏ, khó đủ đường

NHẬT HỒ LDO | 04/11/2021 06:30
Đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Bạc Liêu, hàng loạt công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp là F0. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất phải ngưng hoạt động khiến hàng nghìn công nhân thất nghiệp vào những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, trên 26.500 lao động trở về từ các tỉnh miền Đông và thành phố Hồ Chí Minh càng đè thêm gánh nặng an sinh.

Gánh nặng của F0, F1

Anh Nguyễn Thanh T. quê tại huyện Đông Hải, là công nhân Cty Chế biến Thủy sản Tấn Khởi (phường 1, thị xã Giá Rai). Hàng ngày, anh T. đi đò qua sông để vào nhà máy. Đợt dịch bùng phát tại nhà máy, anh T thành F0, hiện đã được ra viện, về nhà theo dõi sức khỏe. “Khi mới biết mình dương tính, tôi rất lo, nhưng được các bác sĩ điều trị chăm sóc, tư vấn kỹ nên cũng an tâm. Điều tôi lo nhất là gia đình rất khó khăn, mình tôi đi làm nuôi vợ và hai con nhỏ. Giờ nhà máy đóng cửa, tỉnh đã trở thành “vùng đỏ”, không biết bao giờ mới được đi làm để có tiền con”, anh T. buồn bã nói.

Cùng cảnh với anh T, anh Nguyễn Văn H. ở xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải cũng “dính F0” từ Cty Tấn Khởi. Anh H. tâm sự: “Giờ tôi đã khỏe rồi nhưng mệt hơn là không biết làm gì ra tiền”.

Thống kê sơ bộ của tỉnh Bạc Liêu, từ ngày 1.10 đến nay có trên 2.500 trường hợp F0, trong đó, có gần 500 người là công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Nhiều công nhân làm chung đã trở thành F1, phải cách ly tập trung. Trao đổi với PV, anh Trần Văn H. hiện đang trong khu cách ly, cho biết: “Tôi cách ly đến ngày thứ 13 rồi, đã xét nghiệm PCR để chuẩn bị về thì có một người cùng phòng thành F0 nên phải ở lại. Vợ tôi đang nuôi con nhỏ cũng bị cách ly tại nhà”.

Ngày 2.11, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành văn bản hướng dẫn hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc địa bàn có cấp độ dịch là cấp 3 (vùng cam) và cấp 4 (vùng đỏ). Theo đó, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động tham gia sản xuất phải được tiêm 2 liều vaccine hoặc là người đã khỏi bệnh COVID-19; đồng thời phải xét nghiệm test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần theo quy định của Bộ Y tế, lưu ý tập trung nhóm có nguy cơ cao, tiếp xúc nhiều.

Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại sau thời gian bị đình chỉ, ngưng hoạt động phải thực hiện test nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 cho toàn bộ người lao động trước khi vào làm việc.

Ngoài ra, kiểm soát mật độ người lao động ở các phân xưởng và khoảng cách giữa người lao động từ 2m trở lên. Trường hợp không bảo đảm phải có vách ngăn giữa người lao động hoặc người lao động có sử dụng kính che giọt bắn.

Quy định này vô tình đã đẩy hàng nghìn công nhân đang làm việc rời nhà máy, bởi tỉ lệ tiêm đủ vaccine đối với công nhân, người lao động tại tỉnh Bạc Liêu rất thấp. Các doanh nghiêp chế biến thủy sản của tỉnh đang hoạt động vấp phải quy định này gần như khó hoạt động được. Đại diện một doanh nghiệp thủy sản ở thị xã Giá Rai bày tỏ: “Vài tuần nữa tỉnh Bạc Liêu mới phủ vaccine mũi 2 cho 50% công nhân (hiện khoảng 20-30%). Để vaccine phát huy tác dụng ít nhất phải mất 7 ngày, như vậy tổng cộng phải mất 3 - 4 tuần nữa công nhân mới được trở lại nhà máy”.

Đối với sản xuất kinh doanh, trong tháng 11 này không sản xuất để giao hàng thì tháng 12 không giao được do đã qua dịp lễ hội Noel, Tết Dương lịch, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị phạt trễ hợp đồng. Hàng loạt công nhân không có việc làm sẽ là gánh nặng của xã hội.

Chia sẻ khó khăn với người lao động

Để kịp thời chia sẻ khó khăn với người lao động, LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các LĐLĐ trực thuộc, các cấp công đoàn cùng với doanh nghiệp chia sẻ khó khăn vừa bảo vệ người lao động vừa đảm bảo sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu cho biết: “LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền địa phương cùng hỗ trợ công nhân mất việc do F0, F1. Bệnh cạnh đó, chúng tôi vận động nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tinh thần cho công nhân”.

Do tỉnh là “vùng đỏ” nên nguy cơ những lao động trở về từ các tỉnh miền Đông và TPHCM muốn quay trở lại làm việc rất khó. Trước tình hình này, LĐLĐ tỉnh chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội lên danh sách, vận động những chuyến xe 0 đồng đưa người lao động trở lại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM...

Chia sẻ khó khăn với người lao động, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội lập danh sách những lao động trở về từ vùng dịch, lao động mất việc tại địa phương, kịp thời hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn