MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân làm việc tại Bắc Giang mua đồ dùng trước khi về quê ăn Tết. Ảnh: Thục Quyên

Công nhân vượt hàng trăm cây số về quê đón Tết

Thục Quyên LDO | 08/02/2024 06:30

Sau 1 năm làm việc vất vả, thời điểm năm hết, nhiều công nhân lao động làm việc xa quê còn phải trải qua một khó khăn khác: Chọn được phương tiện để về quê đón Tết cùng gia đình, người thân.

Đến ngày 4.2 (tức ngày 25 Âm lịch), nhưng chị Nguyễn Thị Liệu – công nhân Công ty MTV Yamashita Việt Nam (tỉnh Bắc Giang) vẫn chưa biết mình sẽ về quê Phú Thọ bằng cách gì để về quê.

“Hôm 3.2, tôi có gọi điện đến nhà xe mà tôi hay đi về quê, nhưng họ nói phải gọi trước 1 tháng mới đặt được chỗ. Còn hiện giờ đã hết vé” - chị Liệu than thở. Chị bảo, năm trước chị cũng lâm vào tình cảnh không đặt được vé để về quê. Rất may có một người em cùng quê làm cùng về bằng xe máy, nên chị đành đi nhờ.

Nữ công nhân cho biết, với khoảng cách 170 km từ nơi làm việc về đến quê, mỗi lần đi chị phải mất tiền vé 150.000 đồng. Tuy nhiên, những ngày lễ, Tết, không những bị nhồi nhét; có thể bị “bán” sang xe khác dọc đường, chị còn phải trả tiền vé cao gấp đôi ngày thường – 300.000 đồng.

Dù biết phải gặp nhiều khổ sở, bực mình khi đi xe khách ngày lễ Tết, nhưng chị không nghĩ ra cách nào khác để về quê. Thuê taxi hay xe riêng thì quá tốn kém; chị không bao giờ dám bỏ ra số tiền lớn như vậy chỉ để cho mục đích đi lại.

“Hết ngày 27 Âm lịch tôi được nghỉ. Khi đó tôi sẽ liều ra đường để bắt trực tiếp xe ô tô về quê. Nhồi nhét cũng được, tôi cũng chấp nhận để kịp về quê mua sắm Tết cho gia đình. Chồng và 3 con tôi ở nhà rất ngóng tôi về sớm để đón Tết” - nữ công nhân sinh năm 1987 nói.

Làm cùng công ty với chị Liệu, chị Vi Thị Tình (sinh năm 1984) may mắn hơn khi đã có phương án để về quê tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, như nhiều công nhân khác, chị rất “đau đầu” tìm phương tiện về quê. Qua facebook, chị biết có một người ở quê chở khách ra Bắc Giang vào ngày 26 Âm lịch. Chị cùng chồng (cũng làm ở Bắc Giang) và 5 người đồng hương khác để bàn kế hoạch thuê chung xe này để về quê. Nghe phương án của chị, họ đồng ý.

“Do tiện chuyến nên họ lấy giá phải chăng là 5 triệu đồng. Tính ra mỗi người phải trả 650.000 đồng. Mức giá này chỉ cao hơn so với đi xe khách là 150.000 đồng, trong khi đó được chở về đến tận nhà, không phải chịu cảnh chen chúc, “bị bán” sang xe khác dọc đường.

Do phải về vào ngày 26 Tết, trong khi ngày 27 Tết công ty mới nghỉ, nên chị đành phải nghỉ không phép 1 ngày, chấp nhận bị mất tiền chuyên cần. “Tôi muốn về nhà càng sớm càng tốt để có thể mua sắm, chuẩn bị cái Tết cho gia đình, các con” - nữ công nhân tâm sự.

Hai vợ chồng chị Tình cùng đi làm ở Bắc Giang, để lại 2 con ở quê nhờ ông bà trông. Xa các con đằng đẵng, nên chị luôn mong có dịp được về quê với các con, nhất là trong dịp Tết – quãng thời gian được nghỉ dài ngày nhất trong năm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều công nhân có quê xa có xu hướng về quê bằng xe máy, dù biết tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tai nạn giao thông. Lý do là họ sẽ có phương tiện đi lại chúc Tết khi ở quê; đồng thời không phải “lo ngay ngáy” bị mất trộm nếu để xe máy ở phòng trọ. Họ thường rủ bạn cùng quê đi cùng để hỗ trợ nhau trong quãng đường dài về quê… Cả gia đình, người thân đang chờ người con sau 1 năm làm việc, nên Tết đối với họ là quãng thời gian họ được trở về, dù gặp nhiều vất vả, khó khăn, thậm chí nguy cơ tai nạn giao thông trên đường đi…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn