MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân xa nhà: Tủi thân, lạ lẫm với mọi thứ

Minh Phương LDO | 02/10/2021 18:49
Những nữ công nhân (CN) đi làm một mình nơi đất khách, họ chấp nhận xa gia đình, con nhỏ để có tiền lo cho cuộc sống. Và từ đây, họ gặp không ít khó khăn: Nhớ nhà, không thông thạo đường xá, lạ lẫm với tất cả... 

Tủi thân

Đã 6 năm kể từ ngày chị Trần Thị Hà xách va ly từ Lương Sơn (Hoà Bình) xuống thủ đô mưu sinh. Đằng đẵng thời gian một thân một mình, người phụ nữ ngoài 30 tuổi gặp không ít khó khăn.

Thời gian đầu xuống thành phố, chị Hà làm nhân viên quán ăn, rồi vì dịch nên nghỉ công việc này. Sau đó, được bạn bè giới thiệu, chị Hà xin vào làm Công ty K+K (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). “Tôi xin làm công nhân để có mức lương ổn định hơn” – chị Hà nói. 

 Nữ công nhân xa quê đi làm để mong có cuộc sống ổn định hơn. Ảnh: M.Phương

Đi làm bằng chiếc xe máy cũ mang từ quê xuống, chị Hà bắt đầu một công việc có khuôn khổ: Sáng vào làm lúc 7h 30, chiều tan ca vào 17h. Hôm nào được tăng ca, chị Hà sẽ về muộn hơn 1-2 tiếng. Nhớ lại tháng đầu tiên được nhận lương công nhân, chị Hà mừng mừng tủi tủi: Mừng vì có tiền lo cho chị và các con, tủi vì không biết niềm vui này chia sẻ cùng ai...

Từng có một gia đình hạnh phúc, sau ly hôn, các con đều ở với bố; chị Hà cặm cụi làm việc, kiếm tiền.

Khi chưa có dịch, một tháng chị sẽ thu xếp về thăm các con 2 lần. Mỗi lần về, chị Hà hoặc tự đi bằng xe máy hoặc đi xe khách, sáng đi, tối về lại thành phố.

Lọc cọc sớm hôm, chị Hà cho biết có vất vả cũng chẳng nề hà, nhưng điều chị buồn hơn hết là con không nhớ mẹ. Quanh năm suốt tháng đi làm, con lại không ở bên, chị điện thoại về, các con cũng chỉ hỏi mẹ qua loa mà không đòi mẹ về. “Chúng còn nhỏ nên có lẽ chưa hiểu hết. Tôi hi vọng sau này con lớn, sẽ cảm nhận được tôi yêu con nhiều thế nào...” – chị Hà rưng rưng.

Làm công nhân với đồng lương eo hẹp, trừ chi phí thuê trọ, ăn uống, đều đặn mỗi tháng chị Hà gửi về chu cấp cho các con 2-4 triệu đồng và chỉ giữ cho bản thân dưới 3 triệu đồng. Bữa ăn của chị vì thế cũng đơn giản: “Trứng, rau, cá khô quanh năm" – chị Hà cho hay.

Cảm giác lạc lõng

Học xong cấp 3, Trịnh Hồng thi trượt đại học, sau đó chị xin làm CN dưới Hà Nội. Rời quê Phú Thọ, chị Hồng mang theo chiếc xe đạp điện của bố mẹ mua cho từ thời học phổ thông, chị xem đây là “vốn liếng” duy nhất.

 Chị Hồng xa nhà đi làm công ty khi tuổi đời còn khá trẻ. 

Cũng được gần 1 năm, chị Hồng làm CN ở Công ty TNHH Asahi Intecc (Đông Anh, Hà Nội). Xa nhà khi tuổi đời còn trẻ, chưa va vấp, chị Hồng cho biết, điều khó khăn đầu tiên là liên tục bị lạc đường.

“Có hôm tôi đi lạc đến gần sân bay Nội Bài. Chạy lòng vòng tận 9 giờ tối mới về đến nhà. Nhiều hôm dù đã đi làm từ rất sớm nhưng tôi vẫn đến muộn vì chưa thạo đường” – chị Hồng kể.

Từ cô học sinh ngồi trên ghế nhà trường, chuyển sang làm công ty, chị Hồng gặp không ít khó khăn khi phải tập thích nghi với môi trường mới, ở đó có phần chuyên nghiệp hơn. Theo chị, tất cả đều có quy định và nguyên tắc, chỉ cần sai một chút là ảnh hưởng tới lương, thưởng ngay.

Những ngày đầu đi làm ở công ty, chị gặp phải không ít trở ngại vì tính nhút nhát. “Cả ngày đi làm tôi không dám hỏi chuyện ai. Cũng chẳng ai nói chuyện với tôi trừ người quản lý. Lúc đó cảm giác thật lạc lõng, nhưng bây giờ mọi thứ đã ổn hơn rất nhiều” – chị Hồng cho hay.

Còn chị Lê Thị Thu Hoài (20 tuổi, quê ở Ứng Hoà, Hà Nội) từ bỏ môi trường đại học để đi làm CN. Một mình chị Hoài khăn gói xuống Đông Anh thuê trọ rồi xin vào làm việc cho một công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Hành trang của chị không có gì nhiều ngoài mấy bộ quần áo, một cái chăn bông và một chiếc xe đạp điện cũ.

Dù lạ lẫm ở nơi đất khách nhưng những nữ công nhân phải gồng mình gắng gượng. Ảnh: M.Phương 

Lần đầu tiên xa gia đình, sống cuộc sống tự lập, với cô gái trẻ có rất nhiều điều lạ lẫm, lo sợ. Nếu làm ca sáng, chị phải dậy từ 4 rưỡi sáng để chuẩn bị kịp làm lúc 6 giờ sáng. Chiếc xe đạp điện cũ nên muốn di chuyển nhanh càng khó. Có lần chị bị đám thanh niên trêu ghẹo, bấm còi inh ỏi, dù sợ hãi nhưng chị Hoài không dám lên tiếng.

“Nhiều lần gọi điện cho mẹ, tôi bật khóc, không chỉ vì nhớ nhà mà còn không quen ở một mình. Nhưng tôi phải tập trưởng thành, ai rồi cũng phải lớn thôi” – chị Hoài trải lòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn