MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nắng nóng đỉnh điểm, công việc của người công nhân xây dựng càng vất vả. Ảnh: Đ.Phương

Công nhân xây dựng chật vật mưu sinh dưới nắng nóng

Đỗ Phương LDO | 05/06/2020 06:51
Hà Nội đang trong những ngày nắng “cháy da, cháy thịt”. Do vậy, những công nhân xây dựng phải làm từ lúc 5 giờ sáng để trốn nắng trên công trường. Theo phản ánh của người lao động, mặc dù trong ngày làm việc vất vả, nhưng họ chỉ ngủ được khoảng 5 tiếng vì nơi ở nóng như ngoài trời.

Thức dậy lúc bình minh

8 giờ sáng, ngày 3.6, tại công trình xây dựng ở đường Phạm Ngũ Lão (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), trời đã nắng chói chang. Anh Nguyễn Văn Khánh (quê Nghệ An) - ở bộ phận cốp pha - cho biết, anh làm xây dựng đã gần 10 năm nay. Lớn lên với nắng gió khắc nghiệt của miền Trung nhưng anh vẫn chưa quen được với cái nắng khắc nghiệt của Thủ đô.

Anh Khánh chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng, bêtông, thép tỏa nhiệt cao... nên cứ 30-45 phút, chúng tôi lại tranh thủ uống cốc nước, không thì mồ hôi ra nhiều, cơ thể mất nước sẽ rất mất sức. Mọi người ở đây bắt đầu công việc từ lúc 5 giờ sáng, buổi trưa tiếp tục công việc lúc 14-15 giờ. Trời nắng nên giờ giấc làm việc, sinh hoạt của chúng tôi cũng đảo lộn. Ngoài thức dậy lúc bình minh làm việc, có những ngày, chúng tôi làm thêm vào ban đêm. Hôm nào có lịch làm đêm, chúng tôi được nghỉ sớm. Ca đêm chỉ làm thêm khoảng 2-3 tiếng để đảm bảo tiến độ công trình. Cái nghề nó vậy, chúng tôi phải chấp nhận và cố gắng để kiếm tiền nuôi gia đình”. 

Dù không trực tiếp làm việc ngoài trời, anh Trần Du (quê Thanh Hoá) - ở bộ phận xây trát hoàn thiện căn hộ - cho hay, thời tiết nóng nực, dù làm việc trong nhà nhưng trời không có gió nên ai cũng mồ hôi nhễ nhại. Ở bộ phận xây, mọi người sẽ bắt đầu làm việc từ lúc 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, sau đó 13 giờ tiếp tục làm đến 17 giờ chiều.

Công việc vất vả, khó khăn là thế nhưng những người thợ ở đây vẫn giữ được sự lạc quan. Họ thỉnh thoảng lại cất vang tiếng hát: “Hãy tin, hãy yêu, và hát cùng chúng tôi. Những người thợ xây, tin yêu cuộc đời mới...”.

Nhiều cách chống nóng

Sau thời gian lao động vất vả, những người công nhân trở về lán nghỉ ngơi. Có lán được lập dưới hầm, lán được lập bằng mái tôn bên ngoài công trình.

Theo quan sát của chúng tôi, lán dưới hầm được lập bằng những tấm bạt che, một phòng có khoảng 10 người với 4-5 chiếc quạt. Họ là những người lao động (NLĐ) đến từ miền quê nghèo ở Thanh Hoá, Sơn La, Hoà Bình cùng làm việc, ăn, nghỉ với nhau.

Chị Trần Thị Trang (25 tuổi, quê Thanh Hoá) tâm sự, học xong cấp 3, chị mong muốn được đi học đại học nhưng gia đình nghèo, nếu đi học, bố mẹ không thể nuôi nổi. Biết vậy, chị đành rời quê lên thành phố làm đủ việc, sau đó lập gia đình. Sinh bé thứ hai xong, chị được người quen giới thiệu làm phụ hồ trên Hà Nội.

Chị bảo: “Công việc nặng nhọc, không hợp với phụ nữ. Nhưng làm ở đây, người ta trả tiền công cao hơn. Cứ làm được 10 ngày, tôi lại về Thạch Thất thăm các con một lần. Quen với cái khổ nên nắng nóng thế này, tôi chịu được hết”.

Còn theo anh La Văn Nghĩa (quê Hoà Bình) - làm ở bộ phận cốp pha, thời tiết này có lắp chục chiếc quạt vẫn nóng vì mái tôn hấp thụ nhiệt, càng bật quạt, hơi nóng càng phả ra. Do vậy, mọi người ở đây đã nghĩ ra nhiều cách để vơi đi cái nóng. 

“Chúng tôi để một thau nước. Hôm nào nóng quá, chúng tôi phải mua túi đá đổ vào chậu để trước quạt hoặc tưới nước lên mái tôn cho hạ nhiệt. Có người không chịu được nóng đành tìm nơi khác mát mẻ, có người ngày tắm 2-3 lần vẫn không hết nóng. Nếu không làm những cách này, buổi trưa chúng tôi không thể ngủ, buổi tối 23 giờ đêm mới có thể đặt lưng xuống giường. Như vậy, một ngày chỉ ngủ được 5 tiếng vì nơi ở nóng như ngoài trời” - anh Nghĩa nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn