MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Khuyên chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Ảnh: Hạnh Hà.

Công nhân xây nhà tiền tỉ sau 16 năm làm việc tại khu công nghiệp

HẠNH AN LDO | 22/02/2024 07:16

Đang mang bầu ở tháng thứ 5, chị Lê Thị Khuyên - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) hồ hởi chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động về thành tựu của hai vợ chồng sau 16 năm làm việc trong khu công nghiệp.

Thức dậy từ 5h sáng, vợ chồng chị Khuyên chuẩn bị đồ ăn sáng và bắt taxi từ nhà tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Lộc) đến Bến xe Bỉm Sơn, Thanh Hoá để lên chuyến xe miễn phí đưa người lao động trở lại Hà Nội làm việc do Công đoàn TP Hà Nội tổ chức vào sáng mùng 5 Tết Âm lịch 2024.

Vợ chồng chị Khuyên trở lại Hà Nội làm việc sau khi đã nghỉ Tết tại quê nhà. Ảnh: Hạnh Hà.

Chị Khuyên kể, năm 2008, chị từ quê Hà Nội xin làm công nhân cho một công ty sản xuất về linh kiện ô tô. Với mức lương cơ bản ban đầu chỉ vỏn vẹn hơn 2 triệu đồng/tháng, đến nay đã tăng lên khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Chị Khuyên nhớ lại, có những thời điểm, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty tốt, công nhân thường xuyên được tăng ca, làm thêm, chị làm việc miệt mài không biết mệt mỏi. "Có tháng nhận đến 15-16 triệu đồng là chuyện bình thường. Lúc đó ham, làm bao nhiêu cũng không biết mệt, tiền lương nhận về rủng rỉnh hầu bao" - chị Khuyên nói.

Dịch bệnh bùng phát, công ty chị cũng không tránh khỏi làn sóng giảm việc làm. Công ty giữ cho công nhân vẫn có việc đã là khó khăn. Do vậy, nữ công nhân chỉ được làm ca hành chính, thu nhập giảm sút.

Chồng chị trước đây cũng từng làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) trong khoảng 8 năm. Ngán ngẩm với tình trạng ít việc, lương thấp, anh bỏ nhà máy, ra ngoài làm công việc tự do.

Chị Khuyên hồ hởi chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Hạnh Hà.

Nhiều năm sinh sống tại gần khu công nghiệp, tiền thuê trọ hàng tháng đã ngốn của cặp vợ chồng này một khoản tiền không nhỏ. Ngoài ra, điều kiện của các căn phòng trọ giá rẻ xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo cho các con có môi trường sinh hoạt tốt, chị Khuyên bảo chồng, cố gắng mua mảnh đất khoảng 50 mét vuông, sau đó xây dựng một căn nhà.

Không chỉ vậy, một lí do quan trọng khác khiến chị Khuyên đặt quyết tâm xây nhà là để con có thể học tập tại Hà Nội.

Căn nhà 2 tầng, 1 tum của vợ chồng chị Khuyên, anh Duy. Ảnh: Hạnh Hà.

"Nếu không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, các cháu lên cấp 3 sẽ phải học trường dân lập; trong khi chi phí để học trường dân lập rất cao. Tôi và chồng đã suy tính, đắn đo rất nhiều để quyết định vay tiền mua đất, xây nhà" - chị Khuyên tâm sự.

Anh Nguyễn Văn Duy - chồng chị Khuyên cho biết thêm, ngoài số tiền khoảng 400 triệu đồng hai vợ chồng tiết kiệm sau 16 năm làm việc trong khu công nghiệp, anh chị đã phải đi vay ngân hàng thêm khoảng 500 triệu đồng.

Sau khi chuẩn bị xong tiền, năm 2024 anh chị đã hoàn thiện căn nhà 2 tầng, 1 tum với tổng giá trị khoảng gần 1 tỉ đồng. "Có ông bà đỡ đần nên các khoản chi phí lặt vặt sau đó vợ chồng tôi cũng được hỗ trợ. Cả gia đình xác định an cư tại Hà Nội nên xây được nhà, có chỗ ở, không phải đi thuê là mừng lắm" - anh Duy cười, nói.

Nói về dự định trong năm 2024, chị Khuyên hy vọng sẽ sớm trả nốt số tiền vay ngân hàng để trả nợ. Ngoài ra, có công việc ổn định, gia đình có sức khoẻ tốt, các con học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn là ước mong của nữ công nhân này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn