MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hải lo lắng cho tương lai khi đang thất nghiệp. Ảnh: Hạnh Hân

Công nhân xoay xở để mua nhà chung cư

LƯƠNG HẠNH - BẢO HÂN LDO | 20/07/2023 06:17

Với đồng lương của công nhân, vợ chồng chị Hải phải tích cóp trong 16 năm và vay thêm tiền ngân hàng mới có thể sở hữu được một căn chung cư. Dù khoản nợ phải trả còn nhiều, trong khi đang gặp khó khăn về việc làm nhưng căn nhà giúp chị yên tâm hơn, chăm sóc các con được tốt hơn.

Quyết tâm mua nhà

Năm 2005, chị Nguyễn Thị Hải bắt đầu vào làm việc tại KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) với mức lương chỉ khoảng 800.000 đồng/tháng. Đến năm 2009, chị được cất nhắc lên vị trí trưởng ca. Đến nay, ngoài trực tiếp sản xuất, chị Hải phụ trách thêm phần quản lý nhân sự, mức lương được khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Trước đây, vợ chồng chị Hải chưa từng có suy nghĩ sẽ bám trụ lại Hà Nội. Song, khi được ký hợp đồng lao động lâu dài, cảm thấy ổn định hơn, nữ công nhân và chồng quyết định mua một căn chung cư, an cư lạc nghiệp tại đây.

Năm 2020, chị Hải nhen nhóm ý định mua nhà dù chỉ có khoảng 200 triệu đồng. Vợ chồng chị vay thêm hơn 700 triệu đồng để mua nhà và sắm sửa nội thấp. Căn hộ có diện tích 48 m2, 2 phòng ngủ, tổng số tiền phải trả là 985 triệu đồng. Căn hộ tuy nhỏ, nhưng chị rất hài lòng và cảm thấy phù hợp với nhu cầu của gia đình.

“Khi đi mua nhà, chồng tôi dặn chọn căn có diện tích nhỏ để có giá rẻ hơn, dễ trả nợ hơn. Tôi tiếc là mình không mua được căn nhà ở xã hội tại khu nhà này mà chỉ mua được nhà ở thương mại” - chị Hải chia sẻ.

Mua được nhà, chị Hải không phải ở trong không gian chật chội, xuống cấp hay trả giá điện cao như khi còn ở nhà trọ - đây là một dấu mốc lớn trong cuộc sống gia đình chị.

Từ tháng 12.2022 đến nay, mỗi tháng, vợ chồng chị trả nợ ngân hàng 7 triệu đồng, hiện còn nợ khoảng 300 triệu đồng. Dù mỗi tháng phải trả ngân hàng khoản tiền khá lớn nhưng vợ chồng chị Hải vẫn cảm thấy thoải mái hơn khi có nhà mới.

Nỗi lo khi mất việc

Thời gian gần đây, nữ công nhân này thêm nỗi lo lắng khi bị mất việc. Chị Hải kể, bắt đầu từ tháng 8.2022, công ty chị gặp nhiều khó khăn. Công nhân thường xuyên phải nghỉ việc luân phiên, hưởng 70% mức lương. Bên cạnh đó, một bộ phận lao động khối văn phòng có bằng cấp được công ty khuyến khích nghỉ việc, nhận hỗ trợ.

Thời điểm đó, chị Hải cũng như nhiều công nhân khác đã cảm thấy lo lắng. Đến đầu năm 2023, tình hình công ty không diễn biến tích cực, đến lượt công nhân sản xuất trực tiếp tại các phân xưởng cũng được động viên nghỉ việc.

“Sáng thứ 6 (14.7), tôi mới đăng ký vào danh sách tự nguyện thôi việc thì đến ngày 17.7, bộ phận hành chính nhân sự của công ty đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, công nhân không cần quay lại xưởng sản xuất. Lúc đó tôi thực sự cảm thấy sốc và rất hoang mang, không biết tương lai mình sẽ thế nào” - chị Hải tâm sự.

Tự nguyện nghỉ việc nhận trợ cấp là 9 tháng lương cơ bản, chị Hải sẽ có tiền trang trải cuộc sống khi thất nghiệp. Tuy nhiên, nữ công nhân cũng không tránh khỏi cảm giác hoang mang, lo lắng khi món nợ nhà ở xã hội vẫn còn đó. Chị lo ngại bởi khi đã 37 tuổi, rất khó để chị có thể xin một công việc mới trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp gần đó.

Nữ công nhân này dự định sẽ đi làm công việc thời vụ hoặc kinh doanh nhỏ để lo được khoản tiền từ 5-7 triệu đồng/tháng - đủ để trả tiền nợ ngân hàng.

“Còn mọi khoản trang trải cho gia đình đều trông chờ vào đồng lương của chồng” - chị Hải nói. Trước mắt, chị nấu đồ ăn để bán cho cư dân trong toà nhà, kiếm “đồng ra, đồng vào”.

Tổng cục Thống kê cho biết, tình trạng doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương bị cắt giảm đơn hàng tiếp tục kéo dài từ quý IV/2022 đến nay. Điều này dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc. Tính đến quý II/2023, số lao động bị mất việc là 217.800 người, tập trung ở các ngành gặp khó về đơn hàng như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn