MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các công nhân hoạt động trong các xưởng gỗ đều có chung nỗi lo bị mất việc làm trước Tết. Ảnh: Tô Công.

Công nhân xưởng gỗ và nỗi lo bị mất việc làm trước Tết

Tô Công LDO | 16/11/2022 13:03
Phú Thọ - Trước sự khó khăn của ngành chế biến gỗ, nhiều công nhân tại các xưởng gỗ ở huyện Hạ Hoà, Phú Thọ, có chung nỗi lo bị mất việc làm dịp cuối năm.

Càng gần Tết, nỗi lo càng lớn

Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng trăm cơ sở chế biến gỗ lớn nhỏ trên địa bàn huyện Hạ Hòa gặp khó khăn, nhiều cơ sở phải đóng cửa, số ít hoạt động ở mức cầm chừng, chờ tín hiệu tích cực từ thị trường.

Ghi nhận những ngày giữa tháng 11, tại các xã Ấm Hạ, Gia Điền, Phương Viên, Hương Xạ của huyện Hạ Hòa, hàng loạt cơ sở chế biến gỗ đều trong tình trạng tồn kho nhiều mét khối gỗ ván ép, ván bóc, phế phẩm... 

Cùng với đó, tại đây, số lượng công nhân còn làm việc tại các cơ sở này là không nhiều, chủ yếu là công nhân đã có thâm niên làm việc lâu năm, ở lại làm việc để duy trì sản xuất.

Số lượng công nhân tại các cơ sở chế biến gỗ đã bị giảm đi rất nhiều.

Anh Đặng Vũ Hà - công nhân cơ sở chế biến gỗ thuộc khu 5, xã Phương Viên, huyện Hạ Hoà cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của cơ sở nơi anh Hà làm việc đã gặp khó khăn trong khoảng 1 năm qua, thu nhập vì vậy mà giảm đáng kể.

"Chưa năm nào khó khăn như năm nay, hiện, khối lượng công việc còn rất ít, mức lương của tôi vì thế đã phải giảm gần 1 nửa, chỉ còn hơn 4 triệu đồng. Tết sắp đến, công nhân chúng tôi đang lo không biết sẽ trụ được đến bao giờ" - anh Hà nói.

Cùng nỗi lo với anh Hà, anh Bùi Văn Đông - công nhân cơ sở chế biến gỗ thuộc khu 2, xã Ấm Hạ chia sẻ, hầu hết các công nhân đều là lao động địa phương đã gắn bó lâu năm, vì vậy sẽ rất khó khăn nếu để họ tìm một công việc khác, ở địa phương khác.

Anh Bùi Văn Đông vệ sinh máy móc đã bị dừng hoạt động nhiều tháng nay.

"Càng về cuối năm, công nhân các xưởng gỗ mất việc làm càng nhiều, chúng tôi cũng chỉ mong chủ cơ sở sớm vượt qua khó khăn để chúng tôi gắn bó. Nhưng cứ tình hình này, ai cũng đang phải tranh thủ thời gian ở nhà để kiếm thêm thu nhập, đề phòng bị mất việc làm trước Tết" - anh Đông bộc bạch.

Xoay sở để giữ công nhân

Ông Nguyễn Quốc Hà - chủ cơ sở chế biến gỗ tại khu 2, xã Ấm Hạ cho biết, tình hình kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở chỉ có thể giữ lại một vài công nhân làm việc lâu năm để duy trì.

"Nhiều tháng qua, ngoài việc đi vay ngân hàng và các nguồn tiền khác, tôi phải bán rẻ hơn ngày trước tới 400 nghìn đồng/1 khối ván ép để có tiền duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân" - ông Hà cho hay.

Các chủ cơ sở chế biến gỗ mong muốn các công nhân sẽ cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng - chủ cơ sở chế biến gỗ tại khu 5, xã Phương Viên, hiện nay, cơ sở luôn cố gắng duy trì số lượng công nhân trên dưới 50 người, nhưng số đơn hàng ít, nên thay vì mỗi người 1 tháng làm 26 ngày công như trước, nay chia ca chỉ còn khoảng 14 ngày công/người/tháng.

"Cơ sở kinh doanh lỗ vốn nhiều tháng nay, tôi luôn phải tìm kiếm, liên kết thêm với các công ty xuất khẩu để đẩy hàng đi nhiều nhất có thể, từ đó công nhân có việc làm, dù không thể nhiều và đều như trước kia" - ông Hưng cho biết thêm.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, ông Nguyễn Quan Văn Trường - Chủ tịch hội Doanh nghiệp huyện Hạ Hòa cho biết, việc các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn gặp khó khăn đã khiến hàng nghìn người lao động lo lắng về công việc, thu nhập thời điểm giáp Tết.

Tình trạng tồn hàng diễn ra rất phổ biến do khó khăn ở đầu ra.

Theo ông Trường, trước kia, số lượng công nhân làm việc trong các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn từ chỗ khoảng 7 nghìn công nhân, nay giảm đi chỉ còn khoảng 3 nghìn.

"Đối với các cơ sở chế biến gỗ, việc giữ chân công nhân là việc rất cần thiết, giữ chân họ để sau này công việc kinh doanh ổn định lại sẽ không thiếu người làm. Tuy nhiên, để làm được việc này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và các ngân hàng" - ông Trường nhận định.

Theo tìm hiểu, hơn 2 năm qua, ngành chế biến gỗ tại huyện Hạ Hòa đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng của lạm phát, giá xăng dầu, cước vận tải, chi phí sản xuất gia tăng... cùng với đó là việc khan hiếm nguyên liệu đầu vào (nguyên liệu trên địa bàn đã cạn kiệt), việc xuất khẩu tại các thị trường nước ngoài cũng bị chững lại và giá thành thấp, khiến hàng trăm cơ sở chế biến gỗ tại huyện Hạ Hòa phải dừng hoạt động, số ít hoạt động ở mức cầm chừng, lượng hàng tồn kho tại mỗi cơ sở rất lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn