MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - chủ trì toạ đàm. Ảnh: X.H

Công tác nữ công luôn là linh hồn của hoạt động công đoàn

XUÂN HÙNG LDO | 05/09/2018 07:40
Công tác nữ công luôn thể hiện được bản sắc của hoạt động CĐ; tại nhiều đơn vị, hoạt động nữ công là linh hồn, là hoạt động chính của tổ chức CĐ. Đó là nhận xét của nhiều đại biểu tại tọa đàm phát huy vai trò của cán bộ nữ công trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ, do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng chủ trì vừa diễn ra tại LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hồng cho rằng, sở dĩ Tổng LĐLĐVN chọn Thanh Hoá là nơi tổ chức toạ đàm vì Thanh Hoá là đơn vị có hoạt động nữ công rất hiệu quả. "Tổng LĐLĐVN tổ chức toạ đàm, ghi nhận những cách làm hay, kinh nghiệm quý từ Thanh Hoá để đúc kết, lan toả" - bà Nguyễn Thị Thu Hồng nói.

Trong nhiệm kỳ qua (2018-2023), Ban Nữ công CĐ các cấp Thanh Hoá đã tích cực triển khai, nâng cao chất lượng hoạt động với nhiều hình thức phong phú. Tại buổi tọa đàm, các cán bộ nữ công đã chia sẻ những mô hình hay, cách làm mới tại cơ sở. Đa số các ý kiến toạ đàm đều đánh giá cao vị trí của hoạt động nữ công và nhấn mạnh vai trò của cán bộ nữ công. Theo đồng chí Lại Thị Thu Hiền - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch CĐ Trường THPT chuyên Lam Sơn - không chỉ trong các đơn vị sản xuất, ngay trong chính các đơn vị hành chính sự nghiệp, ban nữ công luôn là ban mạnh nhất, chính là linh hồn của hoạt động CĐ cũng như linh hồn hoạt động tập thể của đơn vị.

Từ nhận định này, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, cán bộ nữ công phải là người am hiểu hoạt động đặc thù, có tố chất và tâm huyết. “Chất lượng cán bộ đội ngũ nữ công quyết định hiệu quả công tác” - đồng chí Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ tịch CĐ ngành GTVT Thanh Hoá - cho hay. Cũng từ quan điểm đó, một số ý kiến cho rằng, việc sáp nhập các ban trong LĐLĐ tỉnh là cần thiết nhưng cần xem xét việc sáp nhập ban nữ công và tính toán đối với những tỉnh lớn, nhiều CNLĐ nên giữ lại ban này 
độc lập.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trịnh Thanh Hằng - Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN - cũng thống nhất nhận định vai trò của hoạt động nữ công và cho hay, việc sáp nhập các ban là nghị quyết, là chỉ đạo thống nhất từ trung ương nên cần tập trung thực hiện, vấn đề là sau khi sáp nhập vẫn phải thể hiện được vai trò, vị trí. “Còn vấn đề phụ cấp cho cán bộ nữ công CĐCS, chúng tôi đã đề xuất và sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất” - đồng chí Trịnh Thanh Hằng nói.

Nhiều đại biểu đã đề xuất, kiến nghị những nội dung: Thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, trang cấp công tác bảo hộ lao động đối với lao động nữ; chế độ ăn ca cho NLĐ; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho lao động nữ. Đề nghị Tổng LĐLĐVN kiến nghị Chính phủ trong quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp cần có quy hoạch nhà ở cho công nhân, lao động, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, các thiết chế văn hóa thể thao.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Nữ công CĐ các cấp trong tỉnh, luôn hướng về cơ sở và vì lợi ích của đoàn viên, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động, góp phần vào thành tích chung của CĐ Thanh Hóa và nâng cao vị thế của tổ chức CĐ. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN bày tỏ sự tâm đắc với nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay của nữ công LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá, đồng thời đề nghị Ban Nữ công CĐ các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả, kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình, cách làm mới của Ban Nữ công CĐ các cấp nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn