MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo LĐLĐ TP.Hà Nội và Công đoàn các KCN-KCX Hà Nội xuống cơ sở để ghi nhận ý kiến đoàn viên, người lao động. Ảnh: Hải Anh

Công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT: Không chỉ hướng dẫn mà đầu tư cả kinh phí

Kiều Vũ LDO | 12/04/2022 11:27
Năm 2022, các cấp CĐ Hà Nội  thực hiện  nội dung Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhằm đạt được là tiền lương, thời gian làm việc,  thời gian làm thêm giờ, ăn ca, chế độ cho lao động nữ, phúc lợi.

Kết quả thương lượng tăng lương từ 3-7%

Ngay từ đầu năm 2022, LĐLĐ huyện Đan Phượng đã tập trung hướng dẫn CĐCS trong thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Bà Nguyễn Thị Thuỷ - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đan Phượng - cho biết, riêng với nội dung tiền lương, LĐLĐ huyện phải đến các CĐCS nhiều lần để hướng dẫn, tuyên truyền, vận động và giải thích. Nhờ đó, sau 2 năm không tăng lương tối thiểu thì với bản TƯLĐTT năm 2022, đã có 4 CĐCS đã thương lượng thành công và đưa nội dung tăng lương từ 3-7% vào TƯLĐTT. Một số đơn vị đã đưa nội dung giảm ít nhất 1 giờ làm để thương lượng (có một đơn vị thương lượng thành công). Có 6 đơn vị thương lượng thành công về tăng giá trị mức ăn ca.

LĐLĐ TP.Hà Nội cho biết, qua theo dõi và cập nhật, các bản TƯLĐTT đã có nhiều điều khoản thỏa thuận có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5 - 7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định, tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương hiện hưởng; thời gian làm việc là 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 01- 02 ngày thứ 7 trong tháng; NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày thành lập doanh nghiệp; NLĐ được hỗ trợ 1 bữa ăn ca trị giá từ 20.000 đồng - 30.000 đồng, ngoài ra khi NLĐ làm thêm từ 02 giờ trở lên được hỗ trợ một bữa ăn ca tương đương 15.000 đồng; tiền thưởng tháng lương thứ 13; NLĐ được hỗ trợ tiền nhà trọ (hoặc tiền đi lại), tiền nuôi con nhỏ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp thâm niên...     

Để có kết quả này, LĐLĐ Thành phố thường xuyên hướng dẫn cách đánh giá, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT cho cán bộ trực tiếp phụ trách của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở; thiết lập nhóm Zalo để truyền tải các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ thành phố tới các CĐ cấp trên cơ sở nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, nhóm Zalo là diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết...

Trên 1,7 tỉ đồng hỗ trợ công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT

Tính đến ngày 31.3.2022, trên địa bàn thành phố có 2.695 bản TƯLĐTT được ký kết, đạt 46,39% (tỉ lệ TƯLĐTT trên tổng số 5.809 doanh nghiệp). Số bản TƯLĐTT ký mới năm 2022 là 294 bản.

Thực hiện Đề án thí điểm “Nâng cao năng lực đối thoại, thương lượng, ký kết và chấm điểm, phân loại TƯLĐTT giai đoạn 2021-2022”. LĐLĐ Thành phố đã hỗ trợ kinh phí đợt 1 năm 2022 cho 08 tập thể CĐ cấp trên cơ sở, 27 cá nhân trực tiếp thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT với tổng số tiền 223 triệu đồng; giao các công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ cho 69 tập thể CĐCS và 69 cá nhân là cán bộ CĐCS có TƯLĐTT đạt loại A,B với số tiền 263,5 triệu đồng.

Trong năm 2021 và quý I năm 2022, LĐLĐ Thành phố đã hỗ trợ 1.752.700.000 đồng và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đã hỗ trợ 1.642.000.000 đồng trong công tác thương lượng, ký kết, chấm điểm, phân loại TƯLĐTT.

Mặc dù có sự tập trung nguồn lực cho hoạt động này nhưng cũng còn một số hạn chế. Một trong số đó là nội dung các điều khoản trong TƯLĐTT có lợi cho NLĐ về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn hạn chế, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến phúc lợi cho NLĐ.  

Tình trạng không thực hiện đúng các cam kết trong TƯLĐTT như giao kết hợp đồng lao động chưa đúng, chậm thanh toán lương, nợ BHXH... còn xảy ra ở một số doanh nghiệp.  

Từ thực tế công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT, LĐLĐ TP.Hà Nội đề nghị Tổng LĐLĐVN tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ CĐ theo hướng đào tạo chuyên gia để nâng cao năng lực, kỹ năng tham gia đàm phán, thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện TƯLĐTT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn