MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ BHXH tuyên truyền về BHXH tự nguyện cho người dân tại Hội quán Mỹ Thanh, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Đ.T

Công tác truyền thông phải thân thiện với người dân

HÀ NGUYÊN LDO | 05/04/2019 09:14

BHXH Việt Nam cho biết, năm 2018, công tác truyền thông về BHXH, BHYT được các đơn vị trong ngành đẩy mạnh, qua đó thu hút được sự quan tâm của xã hội, góp phần tổ chức, thực hiện có hiệu quả 2 chính sách an sinh xã hội lớn của đất nước.

Hiệu quả từ công tác truyền thông

Theo đó, năm 2018, toàn ngành BHXH đã tổ chức hơn 10.000 các cuộc đối thoại, tọa đàm, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; hơn 30.000 tin, bài nguồn ở tất cả các thể loại liên quan trực tiếp đến Ngành BHXH Công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng của ngành (Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam; Báo BHXH; Tạp chí BHXH và hệ thống Trang Thông tin điện tử BHXH các địa phương) đã được triển khai hết sức chủ động, truyền tải đầy đủ, kịp thời, chính xác, nhiều chiều thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành liên quan.

Các chương trình giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT nói chung và các chương trình giao lưu trực tuyến chuyên đề nói riêng trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam và các Cổng/Trang TTĐT của BHXH các tỉnh, thành phố đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo ra một diễn đàn hỏi - đáp trực tuyến giữa người dân, NLĐ, đơn vị và DN với các chuyên gia giàu kinh nghiệm về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Ngành BHXH.

Năm 2018, hệ thống chăm sóc khách hành (Call Center) Ngành BHXH được đưa vào hoạt động là đầu mối cung cấp và giải đáp những thắc mắc, tư vấn, hướng dẫn về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người dân và doanh nghiệp; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến với cơ quan BHXH…

Đặc biệt, thông qua các lớp tập huấn, trang bị kiến thức và kỹ năng truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp do Ngành BHXH tổ chức, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác truyền thông trong toàn hệ thống ngày càng chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Ông Lê Bá Toàn - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa - chia sẻ, những năm qua, BHXH tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền BHXH, BHYT cần “đi trước một bước” trong thực hiện chính sách. Điều này là rất cần thiết khi các chế độ, chính sách có nhiều thay đổi; khối lượng công việc ngày càng lớn ở một tỉnh có địa bàn rộng, đông dân như Thanh Hóa.

Từ năm 2018, BHXH tỉnh đã chọn các nội dung, chỉ tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW để tập trung tuyên truyền với sự phối hợp, vào cuộc của tất các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn. Trong đó, hình thức tuyên truyền tại cơ sở qua hệ thống phát thanh phường xã, hệ thống đại lý; hội nghị đối thoại, giao lưu trực tiếp tại các thôn xóm... được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả tích cực, giúp BHXH tỉnh Thanh Hóa đạt được một “kỳ tích” khi phát triển được 16.166 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 108,8% kế hoạch BHXH Việt Nam giao trong năm 2018.

Tiếp tục hướng mạnh về cơ sở

Để phát huy hiệu quả hơn nữa công tác truyền thông, từ nay đến cuối năm 2019, Ngành BHXH xác định là phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hướng mạnh về cơ sở, tới các nhóm đối tượng; tập trung vào các hình thức: Hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, đối thoại, tư vấn trực tiếp…

Nội dung tuyên truyền cần hướng đến mục tiêu đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT và thúc đẩy phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhất là nhóm đối tượng lao động khu vực ngoài nhà nước, khu vực nông thôn và lao động tự do.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông thông qua Tổng đài tư vấn, giải đáp chính sách, pháp luật, chăm sóc khách hàng của ngành. Tiếp tục duy trì thực hiện các chương trình phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT và BH thất nghiệp.

Đặc biệt, tăng cường liên kết giữa Báo BHXH, Tạp chí BHXH, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, Fanpage chính thức của ngành, Cổng/Trang thông tin điện tử BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với các trang mạng xã hội (như Facebook, Zalo…), tin nhắn SMS để tạo hiệu ứng lan tỏa các thông điệp truyền thông.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhận định, thời gian tới, công tác thông tin, truyền thông BHXH, BHYT cần đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hơn vì sự hài lòng của người dân; thông tin, truyền thông phải làm tốt công tác định hướng dư luận; tập trung nhiều hơn vào nội dung người dân quan tâm, phù hợp với từng nhóm đối tượng; chú trọng các hình thức truyền thông trực tiếp (tư vấn, đối thoại, tọa đàm…) tại cơ sở; gần gũi, thân thiện hơn với người dân; tăng cường công tác thông tin, truyền thông hệ sinh thái Internet; chú trọng đào tạo kỹ năng truyền thông, đặc biệt là kỹ năng tổ chức và sử dụng các hình thức truyền thông mới, trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho cán bộ, cộng tác viên truyền thông từ Trung ương đến địa phương…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn