MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Công tác xã hội với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Ảnh: Kiều Vũ

Công tác xã hội với người lao động tại các khu công nghiệp – chế xuất

Kiều Vũ LDO | 14/11/2023 10:26

Hà Nội – Sáng 14.11, Trường Đại học Công đoàn phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Cục Bảo trợ xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Công tác xã hội với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Tham dự có các nhà nghiên cứu, làm chính sách trong và ngoài nước. Một trong những mục đích của Hội thảo là thúc đầy hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công tác xã hội với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đề xuất các giải pháp trợ giúp các vấn đề xã hội xung quanh người lao động đang hằng ngày phải đối diện: các chính sách việc làm, vấn đề nhà ở, hòa nhập môi trường lao động, hạnh phúc gia đình và các vấn đề liên quan đến đảm bảo quyền và lợi ích con em của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hội thảo cũng là hoạt động nhằm tăng cường giao lưu học thuật, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, đầy mạnh hợp tác quốc tế với các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức lao động trên toàn thế giới; thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ với đối tác quốc tế chiến lược của Nhà trường…

Những nội dung được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo gồm: Các vấn đề và nhu cầu hỗ trợ Công tác xã hội của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; vai trò và sự phối hợp của Công tác xã hội với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong việc trợ giúp người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay; an sinh xã hội và Công tác xã hội trong việc đảm bảo quyền cơ bản cho con em người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay…

Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề chuyên môn vận dụng những kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động vượt qua những khó khăn và phòng ngừa những biến cố.

Công tác xã hội có vai trò quan trọng trong hỗ trợ người lao động giải quyết những vấn đề người lao động gặp phải trong các doanh nghiệp; những vấn đề về gia đình của người lao động.

Công tác xã hội thực hiện cung cấp các dịch vụ trợ giúp; kết nối các nguồn lực hỗ trợ; Biện hộ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức; tham vấn tư vấn tâm lý... khi người lao động có nhu cầu.

Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động Công tác xã hội với các nhóm lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất - kinh doanh... lại chưa được quan tâm triển khai. Đây được coi là một khoảng trống rất lớn trong tiến trình thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, đặc biệt hoàn thiện các vị trí việc làm và đảm bảo nâng cao kiến thức cho 60.000 cán bộ làm Công tác xã hội.

Do đó, Hội thảo là những bước rất quan trọng để tạo ra những thông điệp, những cơ sở lý luận và thực tiễn cho hình thành các phòng Công tác xã hội tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây cũng là bước vận động chính sách cho loại hình dịch vụ Công tác xã hội cho người lao động.

PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Phó Bí thư, Phụ trách Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn: Người lao động hiện nay không chỉ đối diện với thách thức về việc làm và kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải đối mặt với những thách thức về tâm lý và xã hội.

Công tác xã hội cần được mạnh mẽ hơn nữa trong việc cung cấp hỗ trợ, từ việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý, đến việc giúp đỡ họ hoà nhập với môi trường làm việc mới.

Tổ chức Công đoàn Việt Nam là đối tác không thể thiếu trong việc hỗ trợ người lao động. Sự phối hợp giữa Công tác xã hội và Công đoàn cần được tăng cường, nhằm xây dựng một môi trường làm việc công bằng và nhân văn, đồng thời bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn