MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư đại diện Prudential Việt Nam (bên trái) và người lao động (bên phải) tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: HL

Công ty bảo hiểm thua kiện người lao động, bồi thường gần 300 triệu

Hữu Long LDO | 11/12/2019 11:07

Prudential Việt Nam vừa thua kiện người lao động ở Đắk Lắk vì chấm dứt hợp đồng người lao động không đúng quy định.

Ngày 11.12, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án “Kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và bồi thường thiệt hại" vừa qua, tòa đã tuyên người lao động thắng kiện Công ty TNHH BHNT Prudential Việt Nam (Prudential) qua đó, yêu cầu bồi thường số  tiền gần 300 triệu đồng.

Trước đó, bà Lưu Thị Kim Thanh  - nguyên cán bộ tại Bộ phận Nhượng quyền thương hiệu Prudential Việt Nam ở Đắk Lắk cho rằng, trong nhiều năm qua bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó và không vi phạm bất cứ kỷ luật gì nhưng vẫn bị Prudential cho nghỉ việc.

Không đồng ý vì cho rằng  Prudential Việt Nam chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bà Thanh đã khởi kiện ra tòa. 

Trong phiên xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên hủy 2 quyết định cùng số, cùng ngày 4.5.2018 của Prudential Việt Nam về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Lưu Thị Kim Thanh.

Toà yêu cầu Prudential trả lại cho bà Lưu Thị Kim Thanh số tiền hơn 280 triệu đồng; buộc Prudential phải truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho bà Thanh từ thángh 5.2018-9.2019.

Tại phiên xét xử, HĐXX nhận định việc Prudential Việt Nam cho rằng bà Thanh tự nguyện thỏa thuận xin chấm dứt hợp đồng lao động là không có cơ sở.

“Bà Thanh làm việc ở công ty gần 13 năm nên có căn cứ xác định bà Thanh có mong muốn làm việc và gắn bó lâu dài với công ty” – trích bản án của tòa.

Cũng tại tòa, HĐXX cho rằng, việc Prudential Việt Nam chấm dứt  hợp đồng lao động đối với bà Thanh và nhiều người lao động khác đã nằm trong kế hoạch, có sự tính toán, buộc người lao  động phải ký vào biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

"Do đó, có căn cứ xác định việc ký biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động không xuất phát từ nguyên tắc thỏa thuận, tự nguyện... Cần xác định, công ty cho bà Thanh thôi việc là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật" - trích nhận định của tòa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn