MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công ty có bị xử phạt khi từ chối yêu cầu nghỉ phép của người lao động?

Minh Hương LDO | 16/03/2022 16:04
Trường hợp không cho người lao động nghỉ phép năm theo quy định, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, nếu làm đủ năm cho doanh nghiệp, người lao động có quyền nghỉ phép năm với số ngày như sau:

12 ngày làm việc: Người làm việc trong điều kiện bình thường.

14 ngày làm việc: Người chưa thành niên, người khuyết tật, người việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

16 ngày làm việc: Người làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ngoài ra, người lao động còn được tăng thêm 1 ngày phép/năm nếu đã làm việc đủ 5 năm cho một người sử dụng lao động (theo Điều 114 Bộ luật Lao động).

Về việc sắp xếp thời gian nghỉ phép năm, Khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động chỉ quy định:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.

Theo quy định này, người lao động phải quy định lịch nghỉ hằng năm nhưng trước đó buộc phải tham khảo ý kiến của người lao động.

Căn cứ vào lịch nghỉ hàng năm mà người sử dụng lao động thông báo, người lao động sẽ thu xếp công việc để tận dụng quyền nghỉ phép của mình.

Trường hợp không cho người lao động nghỉ phép năm theo quy định, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn