MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biên bản giao nhận hồ sơ (bằng đại học) giữa công ty và chị H (ảnh chụp hồ sơ).

Công ty giữ trái phép bằng đại học của người lao động

Quế Chi LDO | 17/07/2023 07:35

Dù luật không cho phép, nhưng Công ty Cổ phần Thương mại và Cơ khí Xây dựng Việt Nhật (quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) lại giữ bằng tốt nghiệp đại học gốc của người lao động.

Người lao động “tố” công ty có dấu hiệu vi phạm luật lao động

Báo Lao Động vừa nhận được phản ánh của chị N.Q.H. Chị H cho biết, chị và Công ty Cổ phần Thương mại và Cơ khí Xây dựng Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) ký hợp đồng lao động ngày 10.9.2021 với chức danh chuyên môn là nhân viên thiết kế; thời hạn từ ngày 11.9.2021 đến ngày 10.3.2023. Khi ký hợp đồng lao động, công ty yêu cầu chị H nộp bằng đại học gốc.

Quá trình làm việc, chị H nhận thấy công ty có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về lao động như: Yêu cầu nhân viên phải làm việc quá thời gian 8 tiếng theo quy định, làm việc vào buổi tối, không thực hiện việc đóng nộp bảo hiểm xã hội... do đó, chị đã chấm dứt hợp đồng lao động với công ty.

Theo thông báo của công ty vào ngày 13.7.2022, trường hợp của chị H được xác định là cán bộ nhân viên nghỉ việc ngang, do đó, cán bộ nhân viên đó phải hoàn thành mọi thủ tục liên quan đến hoàn trả phí đào tạo, tương đương 20 triệu đồng và nhận lại bằng đại học gốc trong vòng 30 ngày kể từ ngày nghỉ việc. Sau thời gian này, công ty sẽ chấm dứt xử lý thủ tục này, không chịu bất cứ trách nhiệm nếu bằng đại học gốc của cán bộ, nhân viên đó bị mất, rách, hỏng…

Phản hồi của công ty

Trả lời phóng viên Báo Lao Động vào ngày 13.7, ông Lê Đình Tiến - Giám đốc Công ty Việt Nhật - thừa nhận việc giữ bằng đại học gốc của chị H và một số nhân viên khác.

Theo ông Tiến, sau khi nghỉ việc, chị H đã có đơn gửi lên cơ quan chức năng. Sau đó, công ty đã sửa sai, trả bằng gốc cho một nhóm nhân viên. Tuy nhiên, đối với trường hợp chị H, ông Tiến cho biết, đã nhiều lần gọi điện đến lấy bằng nhưng chưa đến lấy, mà nói phải gửi qua đường bưu điện.

Đối với phản ánh về thời giờ làm việc, ông Tiến cho biết, nhân viên có làm việc buổi tối, có làm thêm nhưng được trả tiền làm thêm. Còn về vấn đề bảo hiểm xã hội, sau khi học xong, người lao động phải mất 1 tháng thử việc; sang tháng thứ 2 mới được đóng bảo hiểm xã hội.

Về trả lời này, chị H cho biết, công ty có những cách để “ép” người lao động làm thêm vào buổi tối; chị H cũng không được công ty đóng bảo hiểm xã hội.

Về khoản tiền 20 triệu đồng người lao động phải trả theo thông báo, ông Tiến giải trình, khi người lao động vào làm có hợp đồng đào tạo. Tuy nhiên, nếu người lao động bỏ ngang (không làm việc ít nhất 18 tháng sau khi đào tạo) thì phải trả lại cho công ty phần tiền tương ứng 20 triệu đồng (gồm 10 triệu đồng do công ty hỗ trợ 2 tháng học và 10 triệu đồng học phí).

Ông Tiến cho biết, công ty không yêu cầu chị H trả số tiền 20 triệu đồng này nữa mà mời chị H đến công ty để lấy bằng, nhưng chị chưa đến.

Khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng. Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định thêm việc phạt tiền đối với tổ chức thì mức phạt mà tổ chức phải chịu bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn