MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tại Công ty Haprosimex khốn khổ vì bị nợ lương, nợ BHXH. Ảnh: Hà Anh

Công ty Haprosimex đã bị khởi kiện ra toà vì nợ BHXH của người lao động

NHÓM PV LDO | 16/03/2023 09:09
Chiều 15.3, Báo Lao Động tổ chức toạ đàm với chủ đề “Người lao động khốn khổ vì doanh nghiệp nợ BHXH”. Tham dự toạ đàm có bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc Phân xưởng may - Nhà máy Dệt kim Haprosimex thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex (Cty Haprosimex), đại diện tập thể người lao động bị nợ lương, nợ BHXH và bà Đàm Thị Hoà - Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội.

Hiện công ty còn nợ BHXH của người lao động là 7,4 tỉ đồng…

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ, công ty nợ lương từ tháng 1.2017 và nợ BHXH từ tháng 7.2011 của toàn bộ 488 anh chị em công nhân. Đặc biệt, do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản - mặc dù con của họ đã lớn; có 2 trường hợp người lao động chẳng may tử vong nhưng đến gia đình họ chưa nhận được chế độ tử tuất. Đối với 77 lao động còn lại của công ty sau cổ phần hoá, do không chấm dứt hợp đồng lao động nên không xin được việc làm ổn định dù có tay nghề. Họ phải đi làm thuê tại các xưởng gia công hoặc các công việc thời vụ như rửa bát thuê, xe ôm… để có tiền trang trải cuộc sống.

“Trong 6 năm ròng rã, người lao động chúng tôi đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà họ nhận được là “doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động” - bà Huyền cho hay.

Sau khi hàng chục lần đi đòi quyền lợi không được, người lao động đã phản ánh sự việc với Báo Lao Động và các cơ quan báo chí khác.

“Nhận được phản ánh từ chúng tôi, Báo Lao Động đã vào cuộc xác minh, hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động đòi lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng. Sau loạt bài của Báo Lao Động, trong các ngày từ 9-13.3, công ty đã liên tục nộp một phần các khoản nợ vào BHXH huyện Gia Lâm để giải quyết quyền lợi của người lao động theo đúng quy định của pháp luật, với tổng số tiền là 7,8 tỉ đồng. Hiện công ty còn nợ BHXH của người lao động là 7,4 tỉ đồng…

Đặc biệt, nhờ Báo Lao Động, hai gia đình có người lao động tử vong đã nhiều năm nay vừa qua mới nhận được chế độ tử tuất, mai táng phí của người thân. Lãnh đạo công ty cũng hứa sẽ giải quyết dứt điểm các chế độ BHXH, lương của người lao động trong năm 2023” - bà Huyền cảm động nói.

Thay mặt người lao động, bà Huyền đã gửi lời cảm ơn và mong Báo Lao Động tiếp tục đồng hành với họ trong gian đoạn tiếp theo…

Công ty Haprosimex đã bị xử phạt nhưng không thực hiện

Bà Đàm Thị Hoà - Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội - cho biết, khi Công ty Haprosimex chậm đóng BHXH, BHYT theo phân cấp, BHXH huyện Gia Lâm đã thường xuyên đôn đốc, gọi điện nhắc nhở, gửi thông báo yêu cầu đơn vị nộp tiền theo đúng các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đơn vị vẫn không phối hợp thực hiện.

“Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH huyện Gia Lâm phối hợp với các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm tra, thanh tra trực tiếp đơn vị và Thanh tra Sở LĐTBXH Hà Nội đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính về BHXH đối với Nhà máy dệt kim Haprosimex với mức phạt là 19.600.000 đồng. Tuy nhiên, thời điểm đó, đơn vị này vẫn chưa chấp hành. Cùng với đó, BHXH huyện Gia Lâm đã lập hồ sơ khởi kiện Công ty Haprosimex ra Tòa án nhân dân theo đúng các quy định pháp luật. Nhưng công ty trây ỳ không thực hiện”.

Bà Hoà cho biết thêm, kể từ sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài về việc Công ty Haprosimex thì BHXH TP.Hà Nội đã có biện pháp quyết liệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nhằm kịp  thời chi trả quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Trong đó, chỉ đạo BHXH huyện Gia Lâm yêu cầu công ty thực hiện ngay việc đóng nộp BHXH, BHYT, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo quyền lợi cho lao động. Tính đến nay, đơn vị này thực hiện nộp được trên 7,8 tỉ đồng. BHXH huyện Gia Lâm đã thực hiện tách đóng để xác nhận sổ và giải quyết chế độ BHXH cho người lao động; trong đó đã giải quyết xong chế độ tử tuất cho 2 lao động với số tiền 40,9 triệu đồng, gia đình đã nhận được.

Theo bà Hòa, trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cơ quan BHXH đang tiếp tục phối hợp với đơn vị đôn đốc Công ty Haprosimex  hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và thực hiện tách đóng để giải quyết chế độ BHXH cho người lao động, nếu có.

Trong thời gian tới, để giảm số nợ BHXH cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động, BHXH TP.Hà Nội tiếp tục công khai danh sách các doanh nghiệp chậm đóng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên nắm bắt thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có biện pháp, giải pháp đôn đốc, ngăn chặn số tiền chậm đóng, không để phát sinh số tiền chậm đóng BHXH mới, thu hồi số tiền chậm đóng kéo dài; chuyển hồ sơ những đơn vị có hành vi chậm đóng, trốn đóng không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra sang cơ quan công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo BHXH TP.Hà Nội, tính đến tháng 2.2023 toàn thành phố có 60.374 doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 tháng trở lên với số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN 3.393,7 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn