MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều dây chuyền sản xuất của công ty phải tạm dừng hoạt động do thiếu công nhân. Ảnh: NVCC

Công ty may ở Phú Thọ không thể đón hàng trăm công nhân trở lại làm việc

Bảo Hân LDO | 04/11/2021 18:27
Phú Thọ - Công ty May Pearl Việt Nam (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) hiện không thể đón hàng trăm công nhân trú ở một số xã của huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) trở lại làm việc do các quy định phòng chống dịch, khiến công ty rơi vào tình cảnh khó khăn trong sản xuất.

Ngày 4.11, trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Thanh – Chủ tịch công đoàn Công ty May Pearl Việt Nam cho biết, từ ngày 18-25.10, Công ty không thể đón được hơn 1.000 công nhân ở một số xã thuộc huyện Sông Lô tỉnh Vĩnh Phúc, do địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19: Nếu sang Phú Thọ làm việc, khi trở lại Vĩnh Phúc sẽ bị cách ly 14 ngày. Việc thiếu công nhân khiến công ty phải tạm dừng 60% dây chuyển sản xuất. 

Từ ngày 25.10, Công ty đã bố trí đón hơn 400 công nhân trở lại làm việc. Công nhân làm, ăn tại công ty và ngủ tại nhà dân do công ty thuê. Tuy nhiên, vẫn còn 700-800 công nhân chưa quay trở lại làm việc, mặc dù công ty đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ ưu đãi, như đưa đón bằng xe bus của công ty; đưa đón từ chỗ trọ đến nơi làm; hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại, điện nước… Do chưa có đủ lao động, nên công ty phải dồn dây chuyền sản xuất.  

“Công đoàn đã tuyên truyền, động viên công nhân chia sẻ với doanh nghiệp lúc khó khăn để quay trở lại làm việc. Có tới 90% công nhân là phụ nữ, nên họ sang làm việc là rất khó khăn vì còn liên quan đến gia đình, con cái, tâm lý…” – ông Thanh cho biết. 

Theo ông Thanh, bên công ty cũng đề xuất phương án "1 cung đường, 2 điểm đến", nhưng tỉnh Vĩnh Phúc không đồng ý. 

Hình ảnh tỉnh Vĩnh Phúc đón công dân huyện Yên Lạc từ sân bay trở về quê hương. Ảnh: Khánh Linh.

Ông Thanh nói thêm, mới đây, giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã bàn bạc với nhau, nhưng Vĩnh Phúc chỉ cho công nhân đi làm với điều kiện Phú Thọ đảm bảo phương án "3 tại chỗ", chứ không cho đi - về. "Để sản xuất "3 tại chỗ" thì phải trong diện giãn cách theo Chỉ thị 16, nhưng bây giờ đang áp dụng Nghị quyết 128. Trong khi đó, Phú Thọ đang được đánh giá mức độ nguy cơ ở cấp 2 (vùng vàng) theo Nghị quyết 128, ở phường nơi công ty trú chân là ở cấp 1 (vùng xanh)" - ông Thanh nói. Ông Thanh cũng cho biết, công ty không đủ điều kiện để thực hiện "3 tại chỗ" cho toàn bộ công nhân. 

Ông Thanh cho rằng, công ty đã đưa ra nhiều phương án nhưng không được chấp nhận nên phải sử dụng phương pháp tạm thời đón công nhân rồi cho họ ở tại địa bàn công ty đóng chân, mặc dù rất tốn kém, khó khăn trong việc tìm nhà để cho công nhân ở, vì không phải là khu vực nhiều nhà trọ. 

“Nếu tiếp tục có công nhân sang nữa thì sẽ rất khó khăn vì quỹ nhà (để thuê) gần như là đã hết” - ông Thanh cho biết. 

Theo ông Thanh, Công ty đã “phủ” tiêm vaccine tới gần 100% công nhân, trong đó có 60% công nhân đã tiêm 2 mũi, 40% công nhân tiêm mũi 1 dự kiến sẽ hoàn thành 2 mũi vào giữa tháng 11.2021. Tính đến thời điểm nay, công ty chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn