MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Công ty cổ phần May Thanh Trì. Ảnh: Hoa Lê

Công ty may Thanh Trì hứa sẽ trả dần trợ cấp thôi việc cho người lao động

Quế Chi - Anh Thư LDO | 12/12/2019 14:45
Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phần may Thanh Trì (huyện Thanh Trì, Hà Nội) sau nhiều năm vẫn chưa chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, trao đổi với phóng viên ngày 12.12, ông Nguyễn Kim Hoàng – Giám đốc Công ty Cổ phần may Thanh Trì cho biết, Công ty đã có hướng giải quyết tới trường hợp của chị Bùi Thị Bích Hồng.

Theo đó, Công ty sẽ sắp xếp ưu tiên hỗ trợ chế độ trợ cấp thôi việc cho chị Hồng theo lộ trình: Tổng số tiền hỗ trợ chế độ trợ cấp thôi việc sẽ được chi trả dần trong vòng 36 tháng; chị Hồng sẽ lĩnh số tiền trợ cấp thôi việc hàng tháng tại Công ty kể từ 1.4.2020. Vẫn theo ông Hoàng, tổng số tiền hỗ trợ chế độ trợ cấp thôi việc sẽ được các phòng ban chuyên môn Công ty tính chính xác cho người lao động.

Còn đối trường hợp chị Đinh Thị Phụng, ông Hoàng cho biết, mặc dù Công ty đã nhận được đơn, nhưng Công ty giải quyết từng người một; hiện Công ty đang phải lo trả lương, thưởng cuối năm cho công nhân lao động vẫn đang làm việc tại Công ty. Vì vậy, phải thời điểm sau Tết Nguyên đán 2020 mới có thể giải quyết được trường hợp chị Phụng.

Ông Nguyễn Kim Hoàng nêu lên nhiều khó khăn hiện tại của Công ty: Các nhà cung cấp nguyên vật liệu liên tục gây sức ép đòi tiền, không cho ứng trước; bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên liên tục tăng kể từ năm 2016. Ngoài ra, vẫn theo ông Hoàng, hiện tại Công ty có gần 1/2 số lượng cán bộ công nhân viên đã đủ 20 năm công tác và đủ tuổi nghỉ hưu sớm. Hiện Công ty đang phải giải quyết chế độ cho hàng chục công nhân có đơn xin nghỉ hưu sớm, trong khi đó công tác tuyển dụng thu hút công nhân mới gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã động viên tinh thần anh em ở lại, tiếp tục cống hiến, nhưng nếu có bất kỳ biến động nào, khả năng nghỉ việc của họ là rất cao. Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế thu hút số lượng lao động nghỉ hưu sớm này.

Ông Nguyễn Kim Hoàng – Giám đốc Cty cổ phần may Thanh Trì (trái) làm việc với phóng viên Báo Lao động.

Cùng với đó, ông Hoàng cho biết thêm, số công nhân trẻ giảm sút nghiêm trọng: Năm 2016, số lượng toàn thể cán bộ công nhân viên có lúc lên tới 493 người, nhưng do các nhà máy liên tục được mở tại các địa phương, nên số công nhân trẻ quay trở về địa phương; đồng thờ, các nhà máy nhỏ lẻ xung quanh khu vực liên tục chiêu mộ bằng cách tăng lương, trốn đóng bảo hiểm… nên cũng hao hụt rất nhiều. Hiện tổng số lao động của Công ty chỉ còn gần 290 người. Ông Hoàng cũng cho biết, toàn bộ nhà xưởng của Công ty May Thanh Trì là đi thuê, nên luôn có áp lực tăng giá, tăng phí dịch vụ, nếu không ổn định sản xuất thì sẽ không có khả năng thanh toán các chi phí này…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn