MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã xây dựng nhiều chính sách tốt để quan tâm, động viên người lao động yên tâm tư tưởng và cống hiến cho công việc. Ảnh: Phan Tuấn

Công ty sẵn sàng cho lao động nghỉ luân phiên để thu hoạch cà phê, hồ tiêu

Phan Tuấn LDO | 01/03/2024 08:25

Nhiều doanh nghiệp ở thành phố Buôn Ma Thuột đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, phối hợp với công đoàn cơ sở chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động bằng các việc làm rất cụ thể, xuất phát từ nhu cầu của công nhân bản địa.

Chăm lo đời sống người lao động

Công ty Cổ phần Thép ASEAN đóng tại Khu công nghiệp Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột. Không chỉ quan tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty Cổ phần Thép ASEAN còn chú trọng chăm lo cho đời sống, bảo đảm thu nhập tốt cho người lao động.

Theo ông Hồ Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép ASEAN, trong năm 2023, mặc dù khó khăn nhưng công ty luôn chú trọng đến vấn đề an sinh xã hội. Công ty đã xây dựng và trao tặng 5 căn nhà “Gắn kết niềm tin” cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, trị giá 150 triệu đồng/căn.

Hiện nay, Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk đóng tại Cụm công nghiệp Tân An (thành phố Buôn Ma Thuột) 2 có hơn 1.000 công nhân làm việc.

Ông Trần Chí Vĩ - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk - cho biết, đơn hàng năm 2024 của công ty tăng 20% so với năm 2023. Năm 2024, công ty dự định mở rộng nhà xưởng, tuyển dụng thêm lao động nhằm tăng năng suất hoạt động. Chính vì thế, ngoài bảo đảm thu nhập và các chế độ cho công nhân, người lao động, công ty còn đào tạo tay nghề, tạo điều kiện linh động về thời gian và động viên công nhân để tạo khí thế hăng hái trong sản xuất.

Tương tự, Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk (Khu công nghiệp Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột) đang có hơn 1.000 công nhân lao động làm việc.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk - cho biết, với người lao động chưa có tay nghề khi có nhu cầu vào làm việc ở công ty thì sẽ được đơn vị đào tạo nghề miễn phí. Quá trình sản xuất, công nhân lao động có sản lượng cao sẽ được công ty khen thưởng xứng đáng.

Ngoài ra, người lao động khi ốm đau, sinh nhật, thai sản, lễ, Tết... được công đoàn thăm hỏi, động viên.

“Đặc biệt, do phần lớn người lao động còn có vườn, rẫy nên công ty đã sắp lịch cho người lao động nghỉ luân phiên để bảo đảm thu hoạch cà phê, hồ tiêu... Hàng tháng, công ty còn hỗ trợ thêm tiền xăng xe, nhà trọ... để người lao động yên tâm gắn bó với công việc” - bà Kiều cho biết thêm.

Chị Hồ Tố Hương (SN 1986), đang làm việc cho Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk cho biết: “Ngoài việc trả lương, bảo đảm cho đời sống của người lao động thì công ty còn thực hiện tốt công tác khen thưởng, hỗ trợ, thăm hỏi người lao động một cách kịp thời khi có ma chay, hiếu hỷ. Tôi sẽ tâm huyết, gắn bó lâu dài với công ty”.

Công đoàn góp phần ổn định quan hệ lao động

Theo ông Bùi Văn Từ, Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, trong Khu công nghiệp Hòa Phú đã có hơn 3.000 lao động làm việc ổn định với mức lương bình quân 6,4 triệu đồng/người/tháng.

Quá trình hoạt động, đơn vị luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lao động; đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và giám sát doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động; giải quyết kịp thời các vấn đề mới phát sinh, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp, thời gian qua, đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp đã phần nào được bảo đảm.

“Đơn vị cũng kịp thời động viên, khuyến khích doanh nghiệp chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Việc này nhằm giữ và thu hút thêm nhiều người lao động gắn bó lâu dài, cùng doanh nghiệp phát triển” - Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Từ cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn