MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân thuỷ nông ở Hà Nội làm việc vất vả nhưng đang bị nợ lương gần 3 tháng nay. Ảnh: Việt Lâm

"Công việc của nhân thuỷ nông nên trong danh mục nghề nặng nhọc, độc hại"

Bảo Hân LDO | 22/07/2021 18:00
Liên quan đến vụ việc hàng nghìn công nhân thuỷ nông ở Hà Nội đang bị nợ lương gần 3 tháng nay, phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).

Ông Lê Đình Quảng cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

“Trong đó, nguyên tắc trả lương cho người lao động đúng hạn là yêu cầu rất cấp bách. Hiện nay, tiền lương của người lao động mới chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu rất tằn tiện của người lao động, vì vậy, không những phải quan tâm đến việc trả đúng và có thu nhập cao, mà còn phải trả kịp thời để người lao động vượt qua khó khăn”- ông Quảng phân tích.

Ông Quảng nói thêm, trong bất luận trường hợp nào, người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động theo các nguyên tắc trên, và càng là cơ quan nhà nước thì càng phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ. “Nhiều trường hợp doanh nghiệp công ích trả lương từ ngân sách nhà nước nhưng lại nợ lương người lao động, điều này rõ ràng ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động”- ông Quảng nói và cho biết thêm, trả lương đúng, kịp thời cho người lao động là quy định bắt buộc, trường hợp vi phạm thì bị xử phạt theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

“Chủ thể xử phạt chính là cơ quan nhà nước. Và vì vậy, trong trường hợp việc chậm lương có phần trách nhiệm của cơ quan nhà nước (như trong trường hợp của các công nhân thuỷ nông), thì cơ quan nhà nước càng phải có trách nhiệm để thực thi, giúp cho việc trả lương được thực hiện đúng theo quy định”- ông Quảng bình luận.

Về ý kiến của công nhân thuỷ nông, cho rằng công việc của họ cần được hưởng trợ cấp độc hại, ông Quảng cho biết, pháp luật quy định các danh mục công việc nặng nhọc, độc hại và thường xuyên được bổ sung. “Cá nhân tôi cho rằng, công việc của công nhân thuỷ nông nên được bổ sung vào danh mục công việc nặng nhọc độc hại để họ được hưởng chế độ. Tới đây, có thể đề xuất với cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, bổ sung”- ông Quảng bày tỏ quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn