MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng công nhân tại Cụm công nghiệp Phú Minh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phải tạm ngưng việc ở nhà nhiều tuần nay. Ảnh: Minh Phương

Công việc gián đoạn, thu nhập công nhân giảm nhiều

Minh Phương LDO | 07/12/2021 10:16
Dịch bệnh khiến không ít công nhân bị giãn việc, giảm giờ làm. Những ngày đầu tháng 12 này, nhiều công nhân ở Cụm công nghiệp Phú Minh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thường đi làm 2 tuần, nghỉ 1 tuần, thu nhập 8 triệu đồng nay chỉ còn 4 triệu đồng mỗi tháng…

Công việc gián đoạn, thu nhập giảm sút

Trời chập choạng tối, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Long - công nhân Cụm công nghiệp Phú Minh - lo lắng không yên vì đã đến hạn đóng tiền trọ tháng này. Đều đặn ngày mùng 5 dương lịch hằng tháng, gia đình anh Long chi khoảng 1,5 triệu đồng tiền thuê trọ (bao gồm cả điện, nước…) cho căn phòng rộng khoảng 15m2, có nhà vệ sinh khép kín.

Đã 4 tháng nay, công việc của anh Long và vợ đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9, vợ chồng công nhân bị ngưng hẳn việc. Thời gian này, anh Long gọi là “đỉnh điểm của sự khó khăn” vì công ty chỉ hỗ trợ 10% lương cơ bản, cộng thêm nhu yếu phẩm như nước mắm, mì chính, mì tôm.

Theo anh Long, tất cả chi tiêu đều phải “thắt lưng buộc bụng”, các con ở quê cũng phải nhịn sữa. 

“Cả hai vợ chồng làm cùng công ty nên không ai có thể gồng gánh giúp ai. Chúng tôi chỉ có thể nương tựa, san sẻ trong lúc không có việc làm” - anh Long nói.

Suốt 8 năm làm công nhân, trải qua nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, anh Long cho biết, chưa bao giờ lại rơi vào cảnh éo le như hiện nay. Trước đây, ở các đợt dịch 1, 2, 3, anh chỉ bị cắt giảm giờ làm hoặc không được tăng ca. Đến đợt dịch thứ 4, không chỉ bị giãn việc, nhóm công nhân 300 người cùng công ty còn bị ngưng việc, thu nhập hầu như không có.

Đầu tháng 10, khi thành phố đã thực hiện nới lỏng xã hội hơn, công ty nơi anh Long làm việc cũng bắt đầu rục rịch trở lại. Thời điểm này, anh được đi làm 3 tuần, nghỉ 1 tuần liên tiếp. Nhưng đến nay, công ty tiếp tục cho công nhân nghỉ 1 tuần, đi làm 2 tuần vì hàng tồn đọng chưa xuất đi được.

“Mỗi lần nhận được thông báo công nhân tạm thời chưa đi làm từ công ty, vợ chồng tôi nhìn nhau không nói nên lời” - anh Long thở hắt. Công việc gián đoạn, thu nhập giảm sút, vợ chồng công nhân sốt ruột vô cùng.

“Tháng cuối năm là thời điểm vàng để “cày cuốc’’, những năm trước, vợ chồng tôi tăng ca 9-10 giờ đêm mới về nhà. Tết 2022 sẽ buồn nếu chúng tôi không được đi làm đều đặn” - anh Long buồn bã nói.

Công nhân mong không bị “2 vạch”

Từ thu nhập 8 triệu đồng, chị Lê Thị Hằng hụt hẫng nhận 4 triệu đồng tiền lương suốt 1 tháng làm việc. Đến cụm Công nghiệp Phú Minh xin làm công nhân từ tháng 3.2021, chị Hằng vui mừng vì 2 tháng đầu, lương đều ở mức 8 triệu/tháng. Theo chị Hằng, số tiền này, ở quê làm 2-3 tháng mới kiếm được. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì đợt dịch thứ 4 bùng phát, công việc, thu nhập cứ vậy giảm dần theo từng tháng.

Một mình thuê trọ gần công ty, chị Hằng chỉ dám thuê phòng 600.000 đồng/tháng; nhà vệ sinh sử dụng chung. Từ tháng 11, công nhân như chị chỉ được làm 2 tuần, sau đó nghỉ 2 tuần. Tuần đi làm cũng chỉ theo giờ hành chính, không còn được tăng ca như trước. Công việc ngưng trệ khiến gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai chị Hằng. Rời quê ở Phú Thọ, chấp nhận xa chồng con với mong muốn thu nhập cao hơn nhưng may mắn dường như chưa mỉm cười với chị.

Thu nhập giảm một nửa, bữa cơm tối của nữ công nhân chỉ có trứng và rau. Thậm chí, nhiều hôm mâm cơm đạm bạc còn không có rau vì giá: “đắt quá”. Căn phòng chật chội, bếp nấu ăn ở phía ngoài cửa, trong phòng, chiếc xe đạp điện dựng một góc, bước 3 bước chân coi như hết lối đi. Người phụ nữ 30 tuổi đi ra đi vào vì phải nghỉ việc ở nhà gần 2 tuần ròng rã.

Khi chúng tôi hỏi về chuyện xin làm việc khác hoặc chuyển công ty để có thu nhập ổn định, chị Hằng gật đầu: “Tôi cũng đang tìm hiểu các công ty ở khu công nghiệp khác. Nhưng nếu xin vào làm thì cũng phải ra Tết”.

Hỏi về mong muốn hiện tại, người mẹ hai con bày tỏ: “Lương giảm nhưng tôi vẫn có thể tiết kiệm mua áo mới, bánh kẹo cho con dịp Tết đến xuân về. Tôi mong mình không bị “2 vạch” (không dương tính với COVID-19) để đoàn tụ với gia đình”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn