MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân hào hứng được tăng ca. Ảnh: Minh Hương

Công việc khởi sắc, công nhân hào hứng tăng ca

Mạnh Cường - Minh Hương LDO | 17/11/2023 12:00

Những tháng cuối năm, nhiều công ty tại Nam Định ký được các đơn hàng mới khiến công nhân vui mừng, háo hức tăng ca. Bởi với họ, gần 50% thu nhập chủ yếu dựa vào thời gian tăng ca.

Tăng ca, nhiều khoản tiền cũng được tăng theo

Tháng 8, 9.2023, bà Phạm Thị Mai (47 tuổi), công nhân sản xuất đế giày ở Nam Định chỉ làm 8 tiếng mỗi ngày. Nhưng từ tháng 10.2023, công ty ký kết thêm nhiều đơn hàng mới, bà Mai lại được làm 11 tiếng/ngày. Với bà Mai, tăng ca tuy mệt nhưng là niềm vui bởi thu nhập cao hơn gần gấp đôi.

“Nếu chỉ làm giờ hành chính, chúng tôi không có tiền tăng ca đồng thời mất đi rất nhiều khoản hỗ trợ như phụ cấp tăng ca, tiền ăn ca 2,... Riêng hai khoản này đã mất gần 1 triệu đồng/tháng” - bà Mai chia sẻ.

Trao đổi với Lao Động, bà Mai cho biết, nếu chỉ làm 8 giờ/ngày thu nhập cao nhất được 6,5 triệu đồng. Thậm chí, đây là thu nhập đã có tiền thâm niên và một số khoản phụ cấp cho hơn 7 năm gắn bó, những người mới vào chỉ được hơn 5 triệu đồng. Khi tăng ca đều đặn 11 giờ mỗi ngày, thu nhập của bà Mai không dưới 9,5 triệu đồng/tháng.

Cùng hoàn cảnh với bà Mai, bắt đầu từ tháng 10.2023, thu nhập của chị Nguyễn Thị Hiên (29 tuổi), công nhân may đã trở về ngưỡng 8,2 - 9 triệu đồng/tháng. Trước đó, hơn 1 tháng chị Hiên chỉ làm 8 tiếng/ngày đồng thời nghỉ thêm thứ 7 do công ty ít việc, thu nhập không quá 6 triệu đồng/tháng. “Công ty mới đây đã đăng tuyển thêm 50 công nhân có tay nghề đồng thời Quản đốc cũng thông báo đơn hàng kéo dài qua Tết Nguyên đán khiến chúng tôi rất vui, từ giờ đến cuối năm không phải lo lắng về thu nhập” - chị Hiên nói.

Dù làm việc theo phương thức khoán nhưng thu nhập của chị Hiên vẫn ảnh hưởng khá lớn bởi thời gian và công việc. Vì khi có thêm việc, công nhân sẽ làm 9,5 tiếng/ngày. Thời gian 1,5 tiếng tăng ca mỗi ngày vừa có 15.000 đồng tiền hỗ trợ vừa giúp chị Hiên thêm thu nhập gần 100.000 đồng.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH May Tuấn Duyên (huyện Trực Ninh, Nam Định) cho hay, từ đầu tháng 11.2023, công ty đã rục rịch tuyển công nhân trở lại. “Nhiều đơn hàng được ký mới đến nửa năm sau nên thời gian này tôi rất cần tuyển công nhân thời vụ. Hiện tại, công nhân ở công ty cũng thường xuyên tăng ca nhưng không được quá thời gian làm thêm giờ theo quy định nên chúng tôi đang tích cực tuyển người” - anh Tuấn nói.

Mong muốn tiền lương không phụ thuộc nhiều vào tăng ca

Mỗi lần công ty thông báo nghỉ thứ bảy hoặc chỉ làm giờ hành chính, cả bà Mai và chị Hiên đều phải tính toán lại các khoản chi tiêu trong cuộc sống. Bởi với đồng lương chỉ từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, họ chỉ đủ để đảm bảo mức sống cơ bản.

“Trước chỉ cần 2,5 triệu/tháng đã đảm bảo đồ ăn cho 4 người trong một tháng, bây giờ phải 4 triệu đồng mới đủ” - chị Hiên tâm sự.

Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị tăng lương tối thiểu vùng đồng thời với lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024. Vì vậy, bà Mai và chị Hiên mong muốn chính sách tiền lương nếu có thay đổi thì tập trung nhiều vào thu nhập cố định cho 8 tiếng làm giờ hành chính, không phụ thuộc quá nhiều vào thời gian tăng ca.

“Thiết nghĩ Nhà nước nên quy định mức lương tối thiểu từ 6 triệu đồng nếu không tăng ca chứ không nên dựa vào mức lương cơ bản để tính vì mức lương này rất thấp” - bà Mai bày tỏ quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn