MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Trần Hoàng Vũ đứng bên cửa Cty cũ. Ảnh: NAM DƯƠNG

Cty CP công nghệ và dịch vụ môi trường ECO: Đơn phương chấm dứt hợp đồng sai luật với người lao động

NAM DƯƠNG LDO | 22/04/2017 21:09
TAND Q.Tân Bình (TPHCM) vừa ra quyết định thụ lý vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà nguyên đơn là ông Trần Hoàng Vũ và bị đơn là Cty CP công nghệ và dịch vụ môi trường ECO (Q.Tân Bình, TPHCM). Nguyên nhân của vụ kiện là do Cty CP công nghệ và dịch vụ môi trường ECO đã “hiểu nhầm” quy định của pháp luật về việc phải ký tiếp HĐLĐ sau khi HĐLĐ xác định thời hạn lần thứ nhất hết hạn và NLĐ vẫn tiếp tục làm việc. Đáng nói, không chỉ Cty này mà còn nhiều doanh nghiệp khác cũng có cách hiểu nhầm tương tự.

Trích đúng điều luật...

Theo hồ sơ do anh Vũ cung cấp cho PV Báo Lao Động, ngày 10.12.2014, anh Vũ vào làm cho Cty CP công nghệ và dịch vụ môi trường ECO (xin viết tắt là Cty ECO). Đến ngày 1.6.2015, Cty và anh Vũ mới ký HĐLĐ thời hạn 1 năm, đến 31.5.2016. “Sau khi hết hạn HĐLĐ, tôi vẫn tiếp tục làm việc và có kiến nghị được tăng lương, nhưng ngày 25.6.2016, Cty tổ chức cuộc họp và những người có trách nhiệm thông báo không tiếp tục ký HĐLĐ với tôi nữa. Ngày 28.6.2016, Cty đã ra quyết định cho tôi nghỉ việc với lý do: Hết hạn HĐLĐ và Cty không tái ký HĐLĐ” - anh Vũ kể.

Trong biên bản ngày 25.6.2016 do anh Vũ cung cấp (và được những người có trách nhiệm tại Cty ECO xác nhận đó là thật tại buổi làm việc với PV Báo Lao Động vào ngày 10.4), phía Cty thừa nhận đã sai khi không thông báo bằng văn bản ít nhất 15 ngày trước khi hết hạn HĐLĐ với ông Vũ như quy định tại khoản 1, Điều 47, Bộ luật Lao động 2012.

Đại diện của Bộ phận Hành chính - Nhân sự Cty ECO tham dự buổi họp hôm đó là bà Phạm Thị Nhung đã cho rằng: “Theo khoản 2, Điều 22, Bộ luật Lao động 2012, khi HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký HĐLĐ mới. Nếu không ký HĐLĐ mới thì HĐLĐ xác định thời hạn trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Tuy nhiên, thời điểm Cty ra thông báo không tái ký HĐLĐ với ông Vũ thì vẫn trong thời hạn 30 ngày này. Sau khi Cty cân nhắc mà không muốn tái ký HĐLĐ với NLĐ thì vẫn được, không trái quy định của pháp luật. Vì trong khoảng thời gian này, NLĐ chưa được ký HĐLĐ mới, quyền lợi và nghĩa vụ vẫn đang ở HĐLĐ cũ, mà HĐLĐ cũ đã hết hạn, vì vậy Cty có thể thỏa thuận không tái ký HĐLĐ với NLĐ. Nếu NLĐ không muốn chấm dứt HĐLĐ thì Cty vẫn có quyền chấm dứt, không tái ký HĐLĐ”. Đến ngày 28.6.2016, ông Trần Ứng Long - Giám đốc Cty ECO - ra quyết định cho ông Vũ nghỉ việc từ 29.6.2016 với lý do “Hết hạn HĐLĐ và Cty không tái ký HĐLĐ”.

Nhưng lại hiểu sai

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM - sau khi xem xét biên bản này, nhận xét: “Khoản 2, Điều 22, Bộ luật Lao động quy định rõ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ (xác định thời hạn lần thứ nhất - PV) hết hạn, hai bên phải ký HĐLĐ mới. Nếu không ký thì HĐLĐ đã ký trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn”. Có nghĩa là hai bên không được phép cân nhắc có hay không ký tiếp HĐLĐ mà buộc phải ký. Thời hạn 30 ngày là để cho hai bên hoàn thành thủ tục ký HĐLĐ.

Luật sư Nguyễn Hữu Học - Hãng luật Giải phóng - phân tích thêm: “Trong 30 ngày kể từ khi HĐLĐ xác định thời hạn lần thứ nhất hết hạn, nếu hai bên ký HĐLĐ mới thì được quyền cân nhắc để ký tiếp HĐLĐ xác định thời hạn thêm một lần nữa hoặc là ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Còn nếu không ký thì mặc nhiên HĐLĐ đã ký sẽ trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn. Do đó, việc Cty ECO cho rằng không muốn tái ký HĐLĐ với NLĐ sau khi HĐLĐ xác định thời hạn lần thứ nhất hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì không trái luật là sai”.

Trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động ngày 10.4, bà Phạm Thị Nhung cho rằng vào ngày 17.6.2016, giữa ông Vũ và bà Nhung có buổi làm việc trong đó ông Vũ có đề nghị được tăng lương và tuyên bố nếu không tăng lương thì sẽ nghỉ việc, như vậy hai bên đã thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, nhưng bà Nhung sơ sót không ghi lại bằng biên bản.

Với thông tin này, có thể nhận thấy vào ngày 17.6.2016, HĐLĐ xác định thời hạn của ông Vũ cũng đã hết hạn 17 ngày, đồng thời ông Vũ vẫn làm việc cho Cty ECO, thì hai bên phải ký tiếp HĐLĐ như đã phân tích ở trên. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 35, Bộ luật Lao động 2012, trong quá trình thực hiện HĐLĐ, một trong hai bên có quyền đề nghị thay đổi nội dung của HĐLĐ (tiền lương là một trong nhiều nội dung của HĐLĐ), nếu thỏa thuận được phải ký HĐLĐ mới hay phụ lục HĐLĐ; còn nếu không thỏa thuận được, hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo khoản 3, Điều 36, Bộ luật Lao động hoặc tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết. Đằng này, Cty ECO lại chọn giải pháp đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông Vũ như đã nêu là không đúng luật.

Từ đề nghị của anh Vũ, Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động đã nhờ luật sư hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho anh Vũ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn