MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
NLĐ làm việc cho Cty Descon. Ảnh: DESCON

Cty Descon bị tuyên bố phá sản, 11 tỉ đồng nợ BHXH sẽ ra sao?

LÊ TUYẾT LDO | 19/12/2018 11:59
Cty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon) TPHCM vừa bị Tòa án nhân dân TPHCM ra quyết định mở thủ tục phá sản. Ngoài các khoản nợ với các công ty đối tác, nhà thầu phụ, hiện công ty này đang để nợ BHXH, BHYT với số tiền hơn 11 tỉ đồng. Món nợ này sẽ được xử lý ra sao để đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ)?

Cty Descon được xem là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng. Theo thông tin công bố từ đơn vị này, cuối năm 2017, Descon đạt doanh thu 1.445,7 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 24,6 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016.

Descon cũng là nhà thầu của hàng loạt dự án đình đám tại TPHCM như Khu dân cư Đảo kim cương, Khu chung cư Hưng Ngân Garden, Trung tâm Logistic Bình Dương; Nhà khách Hậu Giang…

NLĐ làm việc cho Cty Descon. Ảnh: DESCON

Thế nhưng, thực hiện trách nhiệm đối với người lao động là đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thì doanh nghiệp này lại bỏ qua khi tính đến nay, Descon đã để nợ BHXH, BHYT lên đến 11 tỉ đồng.

Cơ quan BHXH TPHCM cho biết, Cty Descon đã vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH 2 năm qua, với số tiền lên đến 11 tỉ đồng.

Trước thông tin Descon bị Tòa án nhân dân TPHCM có quyết định mở thủ tục phá sản, cơ quan BHXH TP cho biết chưa nhận được thông tin chính thức từ Tòa án. Đơn vị này cũng sẽ chủ động tìm hiểu thông tin từ phía tòa án để có hướng xử lý tiếp theo nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ nơi đây.

Về khoản nợ của Cty Descon, BHXH TP cũng đã tiến hành Thanh tra làm rõ trách nhiệm của Descon trong việc nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ.

Trước đó, BHXH quận, phòng của BHXH TP đã áp dụng nhiều biện pháp đôn đốc, kiểm tra xử lý nhưng DN vẫn không thực hiện nghĩa vụ.

Theo Luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn Luật sư TPHCM), tại Khoản 1, Điều 66, Luật phá sản 2014 quy định về việc gửi giấy đòi nợ nêu rõ: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”.

Cơ quan BHXH cũng chính là một chủ nợ, đồng thời có trách nhiệm quản lý, sử dụng và bảo vệ quỹ BHXH cho NLĐ.

Chính vì vậy cơ quan BHXH cần liên hệ Tòa án, Quản tài viên để thực hiện thông báo số nợ BHXH mà DN chưa thực hiện. Sau đó mới có thể tham gia sâu vào Hội nghị chủ nợ, quá trình phục hồi DN hay thanh lý tài sản…

Tại Điều 54, Luật phá sản 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản khi có quyết định tuyên DN phá sản nói rõ, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với NLĐ, quyền lợi khác theo HĐLĐ và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết sẽ được ưu tiên chi trả đứng hàng thứ 2 sau “chi phí phá sản”.

Tuy nhiên, áp dụng triệt để hay không đòi hỏi sự nỗ lực một phần từ khâu tham gia, giám sát của chính chủ nợ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn