MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Trường mầm non của Tổng Công ty May 10 Nguyễn Thu Huyền đã thành thạo với công đoạn cắt, gập khẩu trang. Ảnh: T.E.A

Cùng chia sẻ để giảm thiệt hại

Thu Trà LDO | 28/03/2020 07:30
Làm phóng viên viết về mảng Công đoàn (CĐ) và người lao động (NLĐ) rất nhiều năm nhưng chưa lần nào tôi chứng kiến sự khó khăn đối với NLĐ và doanh nghiệp như dịch COVID-19 đang gây ra. Vì vậy, không tránh được xúc động khi biết ở Tổng Công ty May 10, NLĐ nhắn tin nhờ Chủ tịch CĐ nói với lãnh đạo rằng hãy yên tâm, họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn.

Tình cảm và cách hành xử đấy chỉ có thể xuất phát từ sự quan tâm, tin tưởng lẫn nhau của các bên tham gia quan hệ lao động.

Vui vì vẫn có việc làm để có thu nhập

Thay vì hằng ngày đến lớp, đón trẻ mẫu giáo tại Trường mầm non của Tổng Công ty (TCty) May 10, giờ cô giáo Nguyễn Thu Huyền lại miệt mài làm việc trong Xưởng may khẩu trang của TCty. Hai tuần nay, cô giáo Huyền đã trở thành công nhân của dây chuyền này với công đoạn cắt và gập.

Thu Huyền chia sẻ: “So với những công nhân của xưởng ngày làm được khoảng trên dưới 6.000 - 7.000 khẩu trang thì tôi làm được khoảng 3.400 khẩu trang. Làm được như vậy cũng là nhờ sự chỉ bảo của các công nhân khác, chứ từ một cô giáo, giờ làm việc này rất nhiều bỡ ngỡ”.

Nhưng Thu Huyền quyết tâm khắc phục những khó khăn để làm tốt nhất công việc vì TCty đã tạo mọi điều kiện, không bỏ rơi ai đang làm ở những bộ phận bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19. Lương giáo viên của Thu Huyền 7 triệu đồng/tháng, nay chắc chắn không được thế nhưng Huyền vẫn vui vì “dù sao vẫn có công việc, có thu nhập”.

Do dịch COVID-19, hệ thống trường mầm non, Trường Cao đẳng nghề Long Biên, khách sạn, siêu thị thuộc TCty đều đóng cửa. Cùng với Thu Huyền, xưởng may khẩu trang của TCty còn bố trí việc làm cho 10 giáo viên Trường Cao đẳng nghề Long Biên, 6 giáo viên trường mầm non và 7 nhân viên khách sạn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm phát triển - cho biết, để giúp đỡ những NLĐ ở các bộ phận không có việc làm vì dịch COVID-19, xưởng khẩn trương bố trí công nhân lao động (CNLĐ) lành nghề hướng dẫn công việc cho họ, đồng thời bố trí họ vào những công đoạn đơn giản. Công đoạn khó do CNLĐ lành nghề đảm nhận. Vì vậy, thay cho việc một người làm nhiều công đoạn để hoàn thành 1 chiếc khẩu trang thì giờ đây san sẻ công việc cho nhau, người làm cắt, gập, người chỉ chuyên may.

“Tổng giám đốc yên tâm, chúng em sẵn sàng chia sẻ khó khăn”

Trong tình hình khó khăn cả về nguyên vật liệu, đầu ra, nhiều đơn vị phải tạm đóng cửa thì Chủ tịch CĐ TCty May 10 nhận được tin nhắn của các đoàn viên CĐ với nội dung: “Nhờ chị nhắn với tổng giám đốc là tổng giám đốc yên tâm, chúng em sẵn sàng chia sẻ khó khăn với TCty”.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc nếu tình hình tiếp tục xấu đi, công việc không còn nhiều thì phải làm thế nào, chị Lê Thị Hương - công nhân Xưởng sơmi - thẳng thắn nói: “Tuy rất lo lắng trước tình hình hiện nay nhưng chúng tôi tuyệt đối tin tưởng vào đường lối cũng như chủ trương của lãnh đạo TCty. Anh chị em chúng tôi chấp nhận nghỉ luân phiên để chia sẻ công việc với những người khác, cũng như chia sẻ khó khăn của TCty. Khi nào mọi việc ổn, có nhiều đơn hàng, chúng tôi sẵn sàng tăng ca”. Trước khi bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập của chị Hương đạt 8-9 triệu đồng. Mức này chắc chắn bị giảm vì chị Hương (và những người khác) đã phải nghỉ luân phiên 2 ngày.

Cũng như những đơn vị khác, TCty May 10 gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn này, nhất là làm thế nào để lo cho hơn 2.000 CNLĐ vẫn có việc làm, có thu nhập, dù thấp hơn trước, thậm chí là thấp hơn trước nhiều.

Vào thứ hai hằng tuần, TCty tổ chức lễ chào cờ tại khuôn viên, vì dịch bệnh phải tránh tập trung đông người nên hoạt động này không thực hiện nữa. Tuy nhiên, thứ hai tuần trước, TCty lại tổ chức chào cờ, đảm bảo mọi người đứng cách nhau 2m, để nghe Bí thư Đảng uỷ TCty tuyên truyền, phổ biến về tình hình thực tế cũng như đường lối của TCty. Qua đó, CNLĐ sẽ hiểu và thích ứng với thực tiễn. Bởi trước đây, TCty làm việc theo kế hoạch quý, tháng, giờ thì phải làm việc theo kế hoạch tuần, thậm chí là ngày. Nguồn tài chính có thể lo đủ lương cho CNLĐ nhưng ở mức bao nhiêu phần trăm thì phụ thuộc vào tình hình thời điểm đó...

Chính sự chia sẻ chân thành này của lãnh đạo TCty đã tạo niềm tin, sự yên tâm cho CNLĐ, rằng không ai trong số họ bị bỏ rơi; đồng thời cũng khuyến khích họ có sự chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Chủ tịch CĐ TCty May 10 Trần Quý Dân cho biết: Từ khi có dịch COVID-19, TCty và CĐ đã tuyên truyền để CNLĐ biết tự bảo vệ mình; tổ chức nhiều hoạt động tăng cường đề kháng cho CNLĐ như phát C sủi, mỗi ngày 1 viên, uống tại nơi làm việc; đo thân nhiệt tại vị trí làm việc; tổ chức 3 đợt ăn ca, mỗi bàn chỉ bố trí 3 người ngồi cùng nhìn về 1 hướng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn