MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thuỳ Linh (sinh năm 2002, quê ở Phú Thọ) mới bắt đầu làm công nhân và nếm trải nhiều khó khăn. Ảnh: Phương Hân

Cuộc sống chật vật của người “chân ướt chân ráo” đi làm công nhân

Bảo Hân - Đỗ Phương LDO | 03/12/2020 07:27
Làm công nhân (CN) đã khổ, nhiều người “chân ướt, chân ráo” lên thành phố làm CN còn khổ hơn khi thiếu kinh nghiệm sống, lạ lẫm nơi đất khách quê người...

Không thi đại học để đi làm công nhân

Thuỳ Linh (sinh năm 2002, quê ở Phú Thọ) đang là CN một công ty (Cty) thuộc Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (huyện Đông Anh, TP.Hà Nội).

Linh có dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn. Nhiều người nhận xét cô có ngoại hình nổi bật và không nghĩ Linh lại chọn làm CN. Linh nói do điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ làm ruộng, nếu Linh tiếp tục đi học, bố mẹ sẽ phải nuôi cô. Hơn nữa, cô không tự tin về năng lực của mình nên chọn không thi đại học.

Do đó, Linh xin tuyển vào Cty rồi trở thành CN. Làm ở bộ phận sơn hàng, Linh phải đứng 12 tiếng/ngày, giải lao chỉ được nghỉ 10 phút. Việc đứng lâu khiến chân Linh sưng to, bắp chân cứng đơ. Về đến nhà, Linh như kiệt sức, rồi chìm vào giấc ngủ để nạp năng lượng cho ngày mai. Cứ như vậy đến khoảng 2 tuần, Linh mới có thể làm quen với công việc. Môi trường ở Cty rất áp lực, nếu không cố gắng, Linh sẽ bị đào thải.

Hiện Linh đã được ký hợp đồng chính thức vào Cty. Mỗi tháng, nếu trừ hết các khoản tiền bảo hiểm, lương của Linh cũng gần 8 triệu đồng/tháng. Linh chỉ giữ 2 triệu đồng cho mình, còn lại gửi về cho bố mẹ nuôi em.

Để có được số lương gần 8 triệu đồng/ tháng, Linh phải làm quần quật từ thứ 2 đến thứ 6, nhiều khi cuối tuần cũng không được nghỉ. Thời gian còn lại, Linh chỉ quanh quẩn ở Cty và phòng trọ...

Luôn trong cảnh túng thiếu

Qua lời giới thiệu của một bà chủ phòng trọ tại đường Đa Lộc (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội), tôi biết đến vợ chồng anh Nam và chị Hiền. Quê ở Thanh Hoá, do cuộc sống ở quê quá khó khăn, thiếu thốn, hai vợ chồng đành gửi con cho ông bà trông rồi dắt díu ra Hà Nội kiếm sống được vài tháng nay. Anh Nam làm bảo vệ một Cty, còn chị Hiền làm CN KCN Thăng Long.

Ra Hà Nội mà chỉ có vài đồng dắt túi, hai vợ chồng chấp nhận thuê căn phòng trọ xập xệ, chật chội với giá chỉ 500.000 đồng/tháng - mức thuê nhà có thể nói là thấp nhất tại khu vực này.

“Tôi làm bảo vệ cho Cty trong KCN. Do mới vào nên lương chỉ được 4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này không đủ để tôi trang trải cuộc sống” - anh Nam than thở.

Lương của người chồng thấp, thu nhập của chị Hiền cũng chẳng khá hơn là bao. Do mới vào làm việc, hơn nữa thời gian vừa rồi do ảnh hưởng của COVID-19 nên Cty không tổ chức làm thêm, tổng thu nhập của chị Hiền chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Thu nhập của 2 anh chị chỉ được khoảng 9 triệu đồng, trong khi cuộc sống xa nhà bao nhiêu thứ phải trang trải, rồi phải gửi tiền về quê nuôi con, biếu ông bà… khiến anh chị luôn trong tình trạng túng thiếu. Có lúc trong túi không có đồng nào, chị đành phải vay mượn chủ nhà trọ vài trăm nghìn đồng để trang trải cho sinh hoạt, chờ đến khi nào có lương sẽ trả lại.

Chủ nhà trọ thông cảm với hoàn cảnh của anh chị nên sẵn lòng giúp đỡ chị. Ngoài ra, chủ nhà trọ còn bán cả thực phẩm, nhiều lúc “cháy túi”, chị lại mua nợ. Cuộc sống cứ thế trôi đi trong thiếu thốn. Anh chị chỉ mong thời gian trôi qua mau để mình có thâm niên hơn, từ đó mức lương cao hơn, cuộc sống đỡ chật vật, khốn khó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn