MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bữa cơm đạm bạc của vợ chồng anh Lò Văn Loàn trong căn phòng trọ chật chội ở Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Tất Thảo

Cuộc sống người lao động trong phòng trọ “hộp diêm”

Tất Thảo LDO | 25/10/2021 12:01

Hà Nội - Gần trưa Chủ nhật (24.10), vợ chồng anh Lò Văn Loàn trở về phòng trọ chật chội, bé như... hộp diêm tại thôn Ngọc Giả, xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, Hà Nội để ăn cơm, nghỉ ngơi. Trong khi anh Loàn cắm lại cơm, vợ anh - chị Tòng Thị Đông - tranh thủ giặt quần áo.

Bốn bước chân đi hết căn phòng 

Phòng vệ sinh bé tí, thi thoảng nước lại tràn ra ngoài nhà sau mỗi lần vợ giũ quần áo, khiến anh Loàn phải lập cập lấy giẻ để rịn lại. Không khí trong phòng rất ẩm thấp, mùi lưu cữu khó chịu. 

Làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ nên anh Loàn có vẻ bề ngoài già hơn nhiều so với tuổi 20 của mình. Quê ở Sơn La, anh Loàn lên Hà Nội làm phụ hồ được hơn 3 năm nay. Cách đây 1 năm, anh cưới vợ. Vài ngày trước, anh đón vợ lên đi làm cùng. Có vợ ở cùng, anh Loàn phải thuê một phòng trọ để ở riêng. 

Phòng trọ của cặp vợ chồng trẻ này có giá thuê 700.000 đồng/tháng. Nếu không tính khu vệ sinh, gác xép, không gian sinh hoạt bên dưới chỉ được khoảng 4m2, chỉ cần 4 bước chân đã đi hết chiều dọc nhà. Không gian chật chội, bức bối, cảm giác nếu 2 người cùng ở trong phòng, rất khó để không bị va đụng vào nhau. Bên trong phòng trọ chỉ có một chiếc bàn gỗ đã cáu bẩn, trên đó là chiếc bếp ga nấu ăn, còn lại là những đồ lặt vặt, quần áo. Gác xép là nơi ngủ của vợ chồng anh Loàn. “Phòng trọ này chắc chắn mùa hè sẽ nóng kinh khủng lắm, rất may bây giờ đang là mùa đông” - anh Loàn nói.  

Hai vợ chồng anh Loàn chưa có nồi cơm điện, phải nấu cơm bằng bếp gas. Cạnh đó, mấy chiếc nồi gang đã sứt sát, cáu bẩn. “Vợ chồng tôi mới chuyển đến nên chưa mua sắm được gì” - anh Loàn cười gượng.  

Ở quê không có việc làm, “đói đầu gối phải bò”, nên vợ chồng anh Loàn tha hương kiếm sống. Công việc phụ hồ vất vả, phải làm tất cả các ngày trong tuần, không nghỉ ngày nào, nhưng mỗi tháng, anh có thể kiếm được 7-8 triệu đồng. Con số này, ở quê anh không bao giờ dám nghĩ tới.  

“Ăn cơm thôi” - anh Loàn bảo vợ rồi trải tấm vỏ bao bì thay cho chiếc chiếu, bày ra 2 chiếc bát, 2 đôi đũa, bát canh sụn - đậu - cà chua và bát nước mắm. Nồi canh được vợ chồng anh nấu từ sáng; buổi trưa về chỉ cần đun lại cho nóng để dùng tiếp. Anh Loàn xới cơm, gắp miếng sụn rồi chấm nước mắm, cắm cúi ăn. Không biết có phải vì có người lạ không mà bữa cơm của cặp vợ chồng son trôi qua lặng lẽ, không ai nói với ai một lời nào… Ăn xong, vợ chồng anh Loàn sẽ nghỉ ngơi đôi phút, rồi lại tiếp tục đi làm, mặc dù là ngày Chủ nhật.  

Sống tuềnh toàng, tạm bợ  

Vợ chồng anh Loàn là một trong số những người thuê trọ tại thôn Ngọc Giả. Theo khảo sát của phóng viên, rất đông công nhân, lao động tự do thuê trọ tại thôn nằm sát Khu công nghiệp Ngọc Hoà này.  

Cách phòng trọ của anh Loàn khoảng vài chục mét là một khu trọ khác với 7 phòng trọ. Giá thuê mỗi phòng ở đây là 900.000 đồng/tháng. Sở dĩ giá thuê cao hơn là vì diện tích phòng rộng hơn.  

Chị Dung, công nhân một công ty may mặc (thuộc Khu công nghiệp Ngọc Hoà) đang thuê một phòng tại đây sống cùng mẹ và con 1 tuổi. Chồng chị Dung làm thợ xây ở Hà Nam. Khi chúng tôi đến, chị Dung đang về quê ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Trong nhà chỉ có mẹ chị là bà Nguyễn Thị Hiền đang cho cháu ăn.  

Phòng trọ khá rộng, khoảng 25m2, nhưng thiếu ánh sáng. Trong phòng, ngoài chiếc tủ lạnh không có đồ đạc gì đáng giá. Bề mặt tường cáu bẩn, ẩm mốc. Không có giường, nơi ngủ là một tấm phản gỗ trải đệm, bên trên là chiếc màn mắc tạm, chưa kịp tháo ra. Quần áo, những vật dụng để khá lộn xộn. Không gian bên ngoài được chị Dung tận dụng làm khu nấu ăn.   

Bà Hiền cho biết, thời gian này, chị Dung không được làm thêm, chỉ làm theo giờ hành chính nên thu nhập chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trừ tiền thuê nhà 900.000 đồng/tháng, số tiền ít ỏi còn lại chị Dung phải chật vật xoay sở. Trong đó, “nặng” nhất là khoản chi phí để nuôi con... Cũng vì thế, bà Hiền nói mẹ con bà cháu chỉ sống tạm ở đây, chứ với tình cảnh này, không dám nghĩ gắn bó lâu dài...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn