MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hải trong căn phòng trọ oi bức, chật chội đã xuống cấp. Ảnh: Lương Hạnh

Cuộc sống nhà trọ của công nhân đảo lộn vì nắng nóng khắc nghiệt

LƯƠNG HẠNH LDO | 21/06/2022 09:00

Trong những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, công nhân sống trong xóm trọ chật chội, bức bí vì không có trang thiết bị làm mát như điều hòa. Họ phải tìm đủ mọi cách để “sống chung” với thời tiết khắc nghiệt. 

Tiền điện ngang tiền phòng

Trưa 19.6, trời nắng như đổ lửa, hơi nóng bốc lên táp vào mặt gây nóng rát, chúng tôi tìm đến xóm trọ nhỏ, nằm sâu trong thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội - nơi có nhiều công nhân khu nhà trọ đang sinh sống.

Trong căn trọ nhỏ chỉ chừng 15m2 của chị Lê Thị Bích Hải (quê Cẩm Khê, Phú Thọ) - công nhân Công ty TNHH linh kiện điện tử SEEV, khi chúng tôi vừa bước vào không khí nóng nực như một container phơi ngoài trời nắng. Cả căn phòng của chị Hải, thứ làm mát duy nhất chỉ có một chiếc quạt cũ mèm, đang lờ lờ phả ra những luồng gió nóng. Mồ hôi chảy ròng ròng khắp người, chị Hải vội nấu bữa cơm trưa cho gia đình.

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ tường của căn phòng bong tróc gần hết. Mảng tường khu vực nấu ăn trong căn phòng đen xì - vì ám khói, dù có chắp vá bằng những tấm nhựa cũng không khá hơn là bao. 

Chồng chị Hải hành nghề buôn bán hoa quả dạo. Anh ở ngoài cửa phòng, cởi trần trùng trục cho bớt nóng, thoăn thoắt sắp xếp cam, chôm chôm, mận... lên trên chiếc xe máy “cà tàng”.

Trời nóng, mặc cho nắng, hơi nóng phả vào da thịt, anh tìm đủ mọi cách để bảo quản hàng hóa, nếu để xếp hàng nhanh thì hoa quả sẽ héo quắt, thất thu... Cả hai vợ chồng chị Hải đều đen nhẻm, đầy vẻ khắc khổ, chịu thương chịu khó.

Đứng nấu cơm, chị Hải vừa lau mồ hôi vừa cho biết, căn phòng trọ gia đình tôi thuê có giá 600.000 đồng/tháng, điện 3.000 đồng/số, nước 30.000 đồng/khối. Vợ chồng chị Hải phải thuê thêm 1 phòng với giá 500.000 đồng/ tháng dùng để cất hàng hóa. Do tồi tàn, xuống cấp cả dãy trọ của chị có 6 phòng thì chỉ có 2 phòng có người ở. 

“Nóng lắm. Hôm nào tan làm về bước từ ngoài vào phòng cứ hầm hập. Phòng tôi ở ngay đầu dãy còn có tí gió. Phòng của một nữ công nhân khác ở gần phòng cuối cùng của dãy trọ còn bí đến mức khó thở, do không có thêm tí gió trời nào”, chị Hải nói.

Chị Hải đã làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long được 5 năm. Với mức lương cơ bản khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Tính thêm tiền phụ cấp, thăng ca, mỗi tháng chị nhận về khoảng 8-9 triệu đồng. Song, số tiền này chẳng thấm tháp là bao so với những khoản chị phải lo toan trong gia đình. Vợ chồng chị có 2 con nhỏ, gửi về quê cho ông bà nội chăm sóc.  

Ở quê, chị Hải và chồng cố gắng xây được một căn nhà cấp 4. Số tiền vay nợ để xây nhà hiện tại vẫn còn gần 200 triệu đồng.

Chị Hải chia sẻ: “Mỗi tháng ngoài tiền ăn, tiền trọ, tiền gửi về cho con, tôi phải đóng tiền lãi hơn 1 triệu đồng chưa tính số tiền nợ gốc. Trời nóng cũng muốn lắp cái điều hòa. Nhưng lắp xong lại lo tiền điện ngang tiền phòng thì không có tiền trả nợ, do đó chúng tôi đành phải sống chung với thời tiết khắc nghiệt”. 

Những ngày nắng nóng đỉnh điểm, vợ chồng chị làm chỉ còn cách lau sạch nền căn phòng, ngủ dưới đất cho bớt nóng. Có những lúc, đến quạt chị Hải cũng không dám bật, sợ số tiền điện tăng vọt lên. Chị Hải lo lắng: “Không biết xoay đâu ra tiền điện mà đóng”. Nhiều lần, chị phải xin khất tiền chủ trọ tiền nhà, đóng muộn hơn so với thời gian chủ trọ yêu cầu. 

Tìm đủ mọi cách “sống chung” với nắng nóng 

Cách đó không xa, căn phòng trọ của chị Vũ Thị Phương (SN 1993, quê Sông Lô, Vĩnh Phúc) khá hơn. Chị đã lắp điều hòa được hơn 1 năm nay, nhưng gần như chẳng khi nào dám bật để sử dụng. 

Sau 3 năm làm công nhân, mức lương cơ bản của chị Phương được khoảng 5,3 triệu đồng/tháng; phụ cấp đi lại 300.000 đồng/tháng. Cộng cả các loại phụ cấp, làm thêm chị nhận hơn 9 triệu đồng/tháng. 

Căn trọ thuê với giá 600.000 đồng/tháng của chị Phương cũng đã tồi tàn, xuống cấp. Ngày nắng nóng đỉnh điểm, chị cũng chỉ dám bật điều hòa trong vòng 30 đến 45 phút. Chị để thêm một chậu nước trong phòng. Sau khi tắt điều hòa thì bật quạt thổi vào chậu nước cho mát.

“Làm như vậy sẽ mát hơn, đỡ tốn tiền điện hơn”, nữ công nhân bày tỏ. 

Còn chị Nông Thị Tấm (SN 1993, quê Yên Bái) nghỉ làm công nhân hơn 1 năm nay. Con chị còn nhỏ, chồng làm công nhân gánh vác cả gia đình. Vì vậy, anh thường tăng ca liên tục để cải thiện thu nhập. Thời tiết khắc nghiệt, chị Tấm cắt giảm mọi chi tiêu để mua được một chiếc quạt điều hòa.

“Tôi thế nào cũng được nhưng nhìn hai bố con mồ hôi nhễ nhại tôi không đành lòng. Cố gắng sắm lấy một chiếc quạt hai bố con còn mát mẻ, dễ chịu”, chị Tấm cho biết... 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn