MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giáo viên mầm non Đà Nẵng mong học sinh sớm được đến trường vì cuộc sống quá khó khăn. (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19): Thanh Chung

Cuộc sống quá khó khăn, giáo viên mầm non mong muốn sớm đi dạy trở lại

Thanh Chung LDO | 19/02/2022 14:00

Đà Nẵng - Sau gần 1 năm nghỉ vì dịch bệnh, nhiều giáo viên mầm non ở Đà Nẵng mong muốn sớm đi dạy trở vì cuộc sống quá khó khăn.

Trường đóng cửa, giáo viên khó khăn

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - giáo viên Trường mầm non Ngân Hà (Đà Nẵng) - cho biết: Trong 1 năm qua, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chị phải tạm nghỉ dạy để phục vụ công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, việc nghỉ quá lâu khiến kinh tế gia đình chị hết sức khó khăn. 

Trong các đợt dịch, cô cũng được nhà trường và các cấp Công đoàn hỗ trợ các phần quà thiết yếu. “Dịch ở nhà không thể làm ra tiền nhưng nhiều chi phí khác phải phát sinh khiến vợ chồng tôi phải về nội, ngoại vay mượn trang trải. Chồng thì làm việc tại công ty mức lương chỉ đủ trả chi phí ăn ở.

Tôi cũng rất mong sớm đến trường để kiếm thêm thu nhập. Tôi cũng cảm ơn những món quà của nhà trường trong lúc cấp thiết. Chỉ ở mức độ gọi là chứ không đủ trang trải. Dù món quà không quá lớn nhưng cũng giúp chúng tôi lấy lại tinh thần và sẵn sàng khi được đi dạy trở lại” - cô Hà nói.

Ông Lê Phú Cường - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hải Châu, Đà Nẵng - cho hay, trong năm 2021 khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở trên địa bàn thành phố, đơn vị đã chi nhiều gói hỗ trợ cho các giáo viên theo quy định. Trên địa bàn quận có khoảng 1.500 đoàn viên, người lao động là nhân viên phục vụ bán trú, cấp dưỡng, bảo vệ... trường công và tư.

“Phải chia sẻ với giáo viên mầm non tư thục bởi khi nghỉ dịch nhiều người nghỉ không lương rất khó khăn. Dù Công đoàn đã có những phần quà gửi họ nhưng không quá lớn mà mang tính cấp thiết.. Thời gian tới vẫn tiếp tục hỗ trợ, ưu tiên các đối tượng này còn khó khăn theo chỉ đạo và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động thành phố” - ông Cường nói.

Phụ thuộc vào phụ huynh

Một giáo viên khác ở Trường mần non Trúc Đào (Đà Nẵng) cho hay: “Đến nay, đã gần 1 năm nghỉ dịch nên tôi cũng như nhiều giáo viên khác mong muốn đi dạy trở lại càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc này lại phụ thuộc vào phụ huynh bởi nếu đến trường mà không có học sinh thì biết dạy cho ai”.

Bà Nguyễn Thị Hà Châu - Hiệu trưởng Trường mầm non Ngân Hà - cho biết, trong thời gian dịch bệnh, các cấp chính quyền và Công đoàn cũng có hỗ trợ giáo viên mần non nhưng trên thực tế những món quà mang tính động viên là chính.

Bởi trường mầm non tư thục thì tự thu chi nên với mỗi cô, nhà trường chỉ hỗ trợ được 1 triệu đồng/tháng. Các cô bây giờ thật sự rất khó khăn nên nhiều cô cũng phải tìm thêm công việc khác để làm kiếm thêm thu nhập. Thời điểm nhà trường chưa mở cửa thì một số cô nhận 2 đến 3 trẻ về giữ thêm. Hiện nay, nhà trường và các giáo viên cũng vận động phụ huynh gửi trẻ.

Về phía nhà trường sẽ thực hiện đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch hoặc hơn vậy. Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan vào trường học, ảnh hưởng đến học sinh. Đến nay, hầu hết giáo viên rất mong muốn đi dạy trở lại vì thời gian nghỉ dịch đã quá lâu rồi.

Đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng chỉ cho phép các cơ sở giáo dục mầm non tại địa bàn có cấp độ dịch COVID-19 mức 1, 2, 3 được tổ chức dạy học trực tiếp. Về thời gian cụ thể đối với từng cơ sở giáo dục mầm non do UBND các quận, huyện quyết định sau khi tổ chức kiểm tra thực tế. Và việc cho trẻ đến trường dựa trên cơ sở đăng ký tự nguyện của cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng yêu cầu các trường, trung tâm giáo dục mầm non phải chủ động liên lạc thường xuyên với cha, mẹ hoặc người giám hộ để xác định số lượng trẻ đi học, tham gia bán trú, từ đó xác định thời gian hợp lý để quyết định tổ chức dạy học, tổ chức bán trú.

Chỉ khi cam kết đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch thì cơ sở giáo dục mới được tổ chức bán trú.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn