MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Hoàng Quốc Lập - tài xế xe công nghệ - chơi cùng con trong phòng trọ. Ảnh: M.Phương

Cuộc sống thiếu thốn trăm bề của công nhân, lao động tự do trong đại dịch

Minh Phương LDO | 21/08/2021 08:30

Công nhân, lao động tự do là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhiều người bị giảm việc, nghỉ việc không hưởng lương, mất việc làm, không có thu nhập. Nay, cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn hơn khi bị "mắc kẹt" trong khu phong toả.

Cơm thiếu thịt

Kể từ tháng 5.2021, anh Hoàng Quốc Lập (quê Tuyên Quang) - tài xế xe công nghệ - đã phải nghỉ hẳn vì dịch COVID-19. Địa bàn anh thuê trọ đã có ca mắc COVID-19 nên anh quyết định dừng công việc đi sớm về khuya này.

Anh Lập thuê trọ ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội cùng vợ và 2 con. Vợ anh Lập là công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội), từ khi chồng không có việc làm, gánh nặng lo cho cả gia đình đặt lên vai người vợ.

Lương của vợ anh Lập khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng theo anh Lập, sống ở Hà Nội với từng đó tiền lương là rất chật vật. Gia đình anh phải chắt bóp, vay mượn xoay vòng đủ kiểu. Theo tính toán của anh, riêng tiền bỉm sữa cho con đã vài triệu đồng, còn tiền thuê trọ, thức ăn, thuốc men khác... chưa tính. Nhiều tháng nay, anh không có tiền chu cấp cho bố mẹ già ở quê.

Phòng trọ mà anh Lập thuê giá 800.000 đồng/tháng. Theo anh, anh vẫn may mắn hơn nhiều lao động khác vì vẫn còn có nơi để ở.

Không thể cùng vợ chia sẻ "cơm, áo, gạo, tiền" lúc này, anh Lập nói: "Đêm đến, tôi thường suy nghĩ làm thế nào có thể san sẻ để vợ đỡ vất vả. Nhưng dịch bệnh nguy hiểm, mọi thứ đều ngưng trệ. Tôi vẫn chưa có đáp án".

Vợ anh Lập đã phải thực hiện "3 tại chỗ" ở công ty theo yêu cầu phòng chống dịch từ ngày 4.8. Trước khi vào công ty, chị vẫn kịp chuẩn bị cho 3 bố con thức ăn và nhu yếu phẩm. Nhưng để tiết kiệm, buổi sáng, anh rang cơm nguội cho con trai đầu, rồi nấu cháo cho con thứ 2.

Đồ ăn các con bỏ thừa, anh đều ăn hết, vậy là xong bữa sáng. Nếu không, anh cũng đành nhịn. Còn bữa trưa của bố con anh đơn giản chỉ có mì tôm, bánh mì, đến tối có thêm cơm nấu kèm cá hoặc trứng... Từ lâu, bữa ăn không có thêm thịt.

Bữa tối của 3 bố con anh Lập vỏn vẹn có một con cá.

Anh Lập chia sẻ, sau này dịch lắng xuống, anh không chạy xe ôm nữa mà sẽ xin làm công nhân, mong thu nhập ổn định hơn. Hiện tại, cuộc sống có thiếu thốn hơn so với trước, nhưng anh Lập cho rằng, anh vẫn may mắn hơn nhiều người khác vì có nơi để ở, trong gia đình còn 1 người có thu nhập.

Sốt ruột chờ ngày đi làm

Anh Vũ Mạnh Hùng (quê ở Phú Thọ) là tài xế xe công nghệ, thuê trọ ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). Nơi anh Hùng sống có ca mắc COVID-19 nên khu vực đã bị phong toả 2 tuần nay.

Nghề xe ôm chở khách mới có tiền, nghỉ làm coi như mất nguồn thu nhập. Giãn cách xã hội cộng thêm nơi trọ bị phong toả, anh Hùng sốt ruột không biết bao giờ có thể đi làm trở lại. Vợ anh Hùng cũng là công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long nhưng phải nghỉ ở nhà 2 tuần nay. Không được đi làm, công ty chỉ hỗ trợ 70% tiền lương trong 14 ngày đầu. Khi tiếp tục phong toả, cả gia đình anh Hùng sẽ không còn nguồn thu nhập chính nào.

Anh Hùng nói, anh đang bị "mắc kẹt" ở đây, hiện về quê là điều khó khăn. Trong thời gian tới, gia đình anh sẽ không còn khả năng chi trả tiền trọ, tiền thức ăn.

"Con tôi nhiều tuần nay không có sữa uống. Nhưng cháu cũng hiểu được bố mẹ đang thiếu thốn nên không đòi hỏi. Cháu còn nói: Con chỉ cần ăn cơm là no lắm rồi" - anh Hùng kể.

Không chỉ sốt ruột vì không có thu nhập, điều anh Hùng lo lắng hơn cả là cậu con trai năm nay lên lớp 2. Năm học mới đến gần, Hà Nội vẫn trong thời gian giãn cách, với tình hình dịch hiện nay, không thể đoán được thời gian nào con anh mới có thể về quê học kịp với bạn bè.

Ngày trước, anh Hùng có bằng đại học nhưng kiếm việc khó khăn nên đành xin vào công ty làm công nhân nhưng được 2 năm xin nghỉ việc vì lương không đủ sống. Chuyển sang nghề tài xế công nghệ, ban đầu, công việc này giúp anh kiếm được hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng từ khi có dịch, thu nhập giảm dần xuống còn 7 triệu, 5 triệu đồng... và bây giờ là số 0...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn