MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nhung dẫn đoàn khách đi tham quan. Ảnh NVCC

Cuộc "tháo chạy" của hướng dẫn viên du lịch

ANH THƯ LDO | 25/09/2021 07:07
Thời điểm này hằng năm, chị Nhung (quê ở Mỹ Đức, Hà Nội) - hướng dẫn viên du lịch tự do - đang đưa khách đi thăm thú tại vườn hạt dẻ ở Cao Bằng hay thác Bản Giốc hùng vĩ. Nhưng giờ, những chuyến đi chỉ còn... trong mơ và không biết bao lâu nữa có thể trở lại như xưa.

33 ngày với đam mê

Vốn là người mê đi, ham khám phá, chị Nguyễn Thị Nhung (36 tuổi) đã thoả ước mong khi làm hướng dẫn viên du lịch. Thấm thoắt hơn chục năm gắn bó với nghề, chưa bao giờ chị Nhung nghĩ mình phải gò bó trong 4 bức tường, quanh quẩn chăm con cả ngày. 

Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, chị làm cộng tác viên cho 4-5 công ty du lịch. Mùa cao điểm, một tháng, chị “chạy tour" 18-22 ngày. Những chuyến đi có thể kéo dài cả tuần, lúc thì rời khởi nhà từ 1h sáng, về nhà có thể là đêm muộn.

Có những lần đi dẫn tour quá dài, chị mệt lả, nôn thốc nôn tháo tại khách sạn. Giờ quá nhiều thời gian nhàn rỗi, chị lại ước ao được “vất” như trước đây. Xưa, số ngày được đi dẫn đếm không xuể, nhưng nay đi được ngày nào, chị phải ghi vào tờ lịch ngày ấy.

“Tôi nhớ như in vào năm 2020, hết tháng 5, chúng tôi được quay trở lại làm việc. Hành trình bắt đầu được 2 tháng, Đà Nẵng bấy giờ bị bùng dịch nên lại phải nghỉ. Đi làm được ngày nào, tôi đánh dấu vào lịch, nhìn lại số ngày đi làm năm 2020 là 90 ngày và năm 2021 vỏn vẹn 33 ngày” - chị Nhung chia sẻ.

Thế nhưng, chị Nhung vẫn tự nhủ mình còn may mắn hơn nhiều bạn bè khác bởi có đồng nghiệp đã bỏ nghề, người thì về quê sinh sống.

Hiện, chị Nguyễn Thị Nhung ở nhà bán hàng online và kèm con học tập.

Dịch COVID-19 khiến cuộc sống của chị Nhung và biết bao đồng nghiệp bị đảo lộn. Như năm trước, chị nhẩm tính dịch sẽ kiểm soát nhanh thôi và sớm trở lại làm việc. Đến năm nay, chị mới thấy “thấm đòn” khi dịch bệnh kéo dài, ngành du lịch “tê liệt”. 

Thời gian đầu, chị Nhung thấy áp lực đè nặng. “Tôi bị mất kiểm soát với con cái. Tôi chưa quen với việc con không đi học, mẹ không đi làm. Nếu tiền cứ rơi ầm ầm vào tài khoản thì khác, đây là không có thu nhập nên nhiều khi tôi đã trút giận lên con cái. Trong đầu tôi nghĩ bỗng nhiên mình lại là gánh nặng trong gia đình” - chị Nhung nói.

Những chuyến đi tour hiếm hoi được chị Nhung đánh dấu.

Ai rồi cũng phải thích ứng. Chị Nhung tự trấn tĩnh và cùng chồng bán hàng online dụng cụ thể thao. Chị Nhung cười: “Bán hàng tạm ổn cuộc sống, đảm bảo không bị chết đói”.

Và chính trong gia đình chị phải thay đổi cách chi tiêu. Từ việc con thích ăn nho ngọt, không hạt trong siêu thị chuyển sang ăn nho ở chợ cho rẻ hơn; từ uống sữa vô tội vạ giảm xuống ngày 4 hộp; từ việc gia đình thích gì ăn nấy phải siết chặt không vượt quá vài trăm nghìn đồng/ngày.

Đủ để sinh tồn 

“Chào anh em, tiếp tục làm nông lại… bán cam” - đó là câu mở đầu video của anh Trần Trung Đức (29 tuổi, đang ở Đà Nẵng) vừa quay xong và đăng trên mạng xã hội Facebook.

1 tháng nay, anh Đức ngập trong việc nhập-bán cam. Chắc hẳn cũng có bạn bè trên mạng xã hội này đã chợt quên anh Đức là hướng dẫn viên du lịch.

Anh Trần Trung Đức đi ship cam. Ảnh: NVCC

Anh Đức tếu táo: “Tôi bán được vài tạ cam mỗi ngày, chắc do du lịch bị ảnh hưởng quá nên anh chị cũng thương”. Trước đây, dẫn tour nước ngoài và nội địa, mỗi tháng anh Đức bỏ túi 20-30 triệu đồng. Dịch COVID-19 khiến anh mất khoảng 80-90% công việc, số chuyến đi dẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Đức kể, COVID-19 khiến nguồn thu nhập rất thấp, buộc anh phải chuyển đổi sang công việc khác. Từ làm dự án nhỏ về ngũ cốc, giai đoạn này anh còn tranh thủ bán cả cam. Công việc này giúp anh có thể tạm thời sinh tồn được khi du lịch “đóng băng”. Trước đó, anh buộc phải siết chặt chi tiêu, căn hộ anh ở nhiều năm đã trả lại để tìm thuê nơi giá rẻ hơn.

Những ngày này, anh Đức thường xuyên nhận được sự hỏi thăm từ những hành khách ở các chuyến mình đã dẫn. Mọi người nhắc lại hành trình đến điểm du lịch ở miền Bắc đầy ý nghĩa. “Tự nhiên như vậy làm cho mình cảm giác cái "lửa" còn, thèm khát được quay lại với du lịch” - anh Đức kể.

Cuộc sống của chị Nhung, anh Đức đang bị đảo lộn. Nhìn rộng ra bức tranh du lịch của nước ta cũng đang bị ảnh hưởng rõ rệt, trong 8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 5,5% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,2 triệu lượt khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn