MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Hoài trước căn phòng trọ của gia đình tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân

Cuối năm, công nhân muốn làm thêm cả chủ nhật vì “làm một ngày bằng hai"

Bảo Hân LDO | 29/11/2021 17:29
Hà Nội - Cuối năm, chị Hoài - nữ công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) - mong muốn được đi làm thêm, kể cả ngày Chủ nhật. Bởi đi làm ngày này, chị được 200% lương - mà như lời chị nói là “làm một ngày bằng hai ngày”, có thêm khoản tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi các con. 

“Có chứ, tôi muốn đi làm thêm” - chị Hoài khẳng định chắc nịch khi được hỏi. Theo chị Hoài, hầu như ai đi làm công nhân cũng muốn làm thêm, vì làm thêm mới có thêm thu nhập. 

Làm công nhân đã nhiều năm, chị Hoài đã quá quen với vòng quay công việc: Một tháng, chị Hoài nghỉ 2 ngày thứ 7, 4 ngày Chủ nhật, còn lại đi làm. Mặc dù muốn tăng ca, nhưng thời gian này, công ty nơi chị làm việc thi thoảng mới tăng ca.

“Thường một tuần tôi được tăng ca 1 - 2 ngày. Nếu không tăng ca, chỉ làm giờ hành chính, thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng; có tăng ca thì được 8-10 triệu đồng, tùy thời gian cũng như thời điểm tăng ca. Nếu tăng ca vào buổi đêm, thu nhập của tôi sẽ được nhiều tiền hơn” - chị Hoài cho hay. 

Xa quê đã lâu, chị Hoài mong được về quê, thoát cảnh thuê trọ, nhưng nghĩ mình đã lớn tuổi (chị Hoài đã ngoài 30), về quê rất khó xin việc; nếu xin được việc thì thu nhập thấp hơn ở đây. “Hiện tôi đang có thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng, nhưng ở quê chắc chỉ tầm 5-6 triệu đồng/tháng” - chị Hoài chia sẻ. 

Cũng giống chị Hoài, chị Bùi Huyền Trang (SN 1993, công nhân khu công nghiệp Thăng Long) cũng mong được làm thêm, nhất là vào dịp cuối năm để có thêm thu nhập. 

“Thường thì công ty nơi tôi làm việc chỉ làm giờ hành chính. Một vài tuần gần đây, có lẽ do nhiều việc, công ty tổ chức làm thêm cả thứ 7, chủ nhật. Nhưng tuần này, không biết lý do gì, công ty không gọi đi làm thêm 2 ngày cuối tuần nữa” - chị Trang cho hay. 

Mới vào làm, nên lương cơ bản của chị Trang khá thấp (4,8 triệu đồng/tháng). Vì vậy, nếu không tăng ca, không làm thứ 7, Chủ nhật, thu nhập của chị Trang (lương cơ bản và thêm phụ cấp) chỉ được khoảng 5 triệu đồng/tháng; nếu “được” tăng ca, làm cả thứ 7, Chủ nhật thì thu nhập của chị được gần 8 triệu đồng. Theo chị Trang, những công nhân như chị muốn đi làm thêm là bởi vì lương cơ bản thấp, không đảm bảo cho cuộc sống. 

Chồng chị Trang cũng làm công nhân nhưng tại một công ty điện tử thuộc tỉnh Bắc Ninh. Chị Trang nhẩm tính, nếu tăng ca hết sức, liên tục thì tổng thu nhập của cả hai vợ chồng được khoảng 17-18 triệu đồng/tháng. Để có được mức thu nhập ấy, hai vợ chồng phải chấp nhận hy sinh thời gian nghỉ ngơi cũng như những nguy cơ về sức khỏe khi phải làm việc liên tục. 

Không chỉ nữ công nhân, nam công nhân cũng bị “ám ảnh” bởi việc làm thêm. Anh Hải (sinh năm 1987, công nhân khu công nghiệp Thăng Long) cho hay, một tháng, anh được nghỉ các ngày chủ nhật và nghỉ 2 ngày thứ 7.

Anh Hải cũng mong được làm thêm dịp cuối năm để có thêm thu nhập. Ảnh: Bảo Hân 

“Ngày bình thường, tôi làm việc 8 tiếng, hôm nào có lịch thì mới đi tăng ca. Thường một tuần tôi có 3-4 buổi "được" tăng ca. Còn trẻ, khoẻ, nên tôi luôn mong được làm thêm. Nếu không làm thêm, thu nhập của tôi, gồm lương cơ bản và phụ cấp, chỉ được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu có làm thêm thì được hơn 8 triệu đồng/tháng” - anh Hải cho biết. Làm thêm, thu nhập cao hơn, cộng với khoản thưởng Tết, nam công nhân hy vọng sẽ có một cái cái Tết đầy đủ hơn. 

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến ký kết Chương trình xây dựng đời sống văn hoá, tập luyện thể dục, thể thao trong công chức, viên chức, công nhân lao động giai đoạn 2021-2026 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch diễn ra vào ngày 12.10, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết, vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xin ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc báo cáo với Quốc hội cho phép kéo dài tối đa thời giờ làm việc một tháng vượt trần 40 giờ và tất các ngành sẽ được cho phép làm thêm từ 200-300 giờ/năm.  

“Khi chúng tôi lấy ý kiến người lao động thì có hơn 80% số công nhân đồng ý vượt trần làm quá 40 giờ/tháng và đồng ý làm thêm từ 200-300 giờ/năm. Đây là thông tin rất đáng lưu ý. Lý do chính công nhân lý giải là do cuộc sống quá khó khăn, lương thấp” - ông Ngọ Duy Hiểu thông tin. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn