MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng công nhân thuê trọ ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) ăn qua loa bữa sáng để chuẩn bị đi làm. Ảnh: Minh Phương

Cuối năm, “hầu bao” của công nhân cạn dần

Minh Phương LDO | 25/12/2021 10:05
Một năm khó khăn với nhiều công nhân khi phải ngưng việc, giãn việc, thu nhập giảm sút, ít được làm thêm giờ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tết cận kề, tài khoản của công nhân cạn dần vì nhiều khoản chi dồn dập…

Một năm thất thu

Đó là câu trả lời buồn rầu của chị Bùi Thị Hà - công nhân Công ty K+K Fashion (Khu công nghiệp Ngọc Hoà, Chương Mỹ, Hà Nội) khi chúng tôi hỏi về tổng thu nhập năm nay.

Làm công nhân ở thành phố 6 năm nay, chị Hà cho biết chưa năm nào khó khăn như năm 2021. Chị Hà phải nghỉ việc từ ngày 29.7 đến ngày 6.9 mới được đi làm lại. Chồng chị làm công trình ở tỉnh Tiền Giang cũng không có việc. Thời điểm đó, dịch bệnh căng thẳng, nhiều nơi giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó” nên vợ chồng chị chỉ có thể động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn này. 

Trong thời gian phải ngưng việc vì dịch bệnh, chị Hà được công ty hỗ trợ 1,8 triệu đồng cùng một số nhu yếu phẩm như trứng, sữa… Nay được đi làm trở lại, nữ công nhân phấn khởi nhưng số ngày được làm thêm giờ không nhiều. Từ đó, thu nhập của chị cũng chỉ ở mức 6,5 triệu đồng/ tháng.

Còn chồng chị, công trình đã được hoạt động trở lại song anh vẫn chưa được thanh toán tiền công. Hiện cả gia đình đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chị Hà. Chị đã là mẹ 2 con (bé đầu 9 tuổi, bé út 5 tuổi). Để có tiền lo cho con ăn học, mỗi tháng chị Hà chỉ dành cho mình 1,5 triệu đồng (trong đó riêng tiền thuê trọ đã 800.000 đồng).

Công việc của chồng không ổn định “nay đây mai đó”, còn chị Hà làm công nhân, lương cũng phải dè sẻn mới đủ lo cho các con. Quãng thời gian 2 vợ chồng không có thu nhập, số tiền tiết kiệm được từ đầu năm cũng phải rút túi để lo liệu. “Bây giờ hỏi tôi có tiền sắm sửa cho dịp Tết không, câu trả lời là chắc chắn tôi không có. Từ nay đến cuối năm, chỉ còn trông chờ vào thưởng Tết và tiền công của chồng. Nhưng số tiền này cũng phải dành ra để trang trải nợ nần” - chị Hà thở dài.

Chia sẻ về mức tiền thưởng cuối năm, chị Hà cho hay, vào dịp Tết Dương lịch 2021, nhóm công nhân như chị được thưởng 100.000 đồng. Vào Tết Âm lịch, chị được thưởng hơn 4,5 triệu đồng. Còn năm nay, chị chưa nghe thông tin gì về thưởng Tết.

Trong căn phòng chật chội, nữ công nhân sống giản dị và tạm bợ. Năm hết Tết đến gần, chị Hà sốt ruột bởi trong “hầu bao” không còn dư nhiều. 

Dành hết tiền lương để trả nợ

Bình thường đã thiếu thốn, năm nay, thu nhập của gia đình anh Trương Công Mạnh - công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) còn giảm mạnh do dịch bệnh. Anh Mạnh có 3 tháng ngưng việc, giãn việc. Còn vợ anh từ Nghệ An xuống Hà Nội xin làm nhân viên bán hàng từ tháng 5.2021 cũng bị mất việc 3 tháng vì cửa hàng không hoạt động.

“Cả 2 vợ chồng đều không có thu nhập trong cao điểm đợt dịch. Chúng tôi phải vay 15 triệu đồng từ anh em, bạn bè để có tiền chi trả sinh hoạt cùng tiền đóng học phí cho con” - anh Mạnh nói.

Vừa được đi làm trở lại hơn 2 tháng nay, tiền lương của cả hai vợ chồng anh Mạnh ở mức 14 triệu đồng/ tháng. Số tiền này, đủ để gia đình chi tiêu, không phải vay nợ thêm song cũng không có tiền tiết kiệm. Chỉ vào chiếc điện thoại, anh Mạnh nói, trong tài khoản ngân hàng, 2 vợ chồng anh cộng lại có 2,5 triệu đồng, tiền mặt 800.000 đồng. Cuối năm công ty tạo điều kiện cho công nhân làm thêm giờ nhưng số ngày được tăng ca trong tuần không nhiều. Còn vợ anh bán hàng, bán được nhiều thì có thêm hoa hồng. Năm nay ế ẩm hơn nên tiền thu về cũng sẽ ít hơn.

“Vì vậy, nói đến Tết, chỉ thêm buồn” - anh Mạnh chia sẻ. Từ nay đến cuối năm, chỉ còn mỗi tiền thưởng Tết Âm lịch là khoản vợ chồng anh có thể trông cậy. Như mọi năm, anh Mạnh được thưởng 10 triệu đồng, nếu năm nay mức thưởng không thay đổi, anh sẽ dùng số tiền này để trả nợ.

Ngồi tính đi tính lại, anh Mạnh bần thần vì: “Có tiền cũng trả nợ gần hết. Còn lại bao nhiêu cũng không đủ lo toan Tết”. Anh Mạnh bàn với vợ, nếu năm nay để dư được 5 triệu đồng thì về quê ăn Tết, còn không sẽ ở lại thành phố…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn