MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Lam chuẩn bị bữa trưa. Ảnh: Thư Hân

Cuối năm, lao động tự do loay hoay tìm việc

ANH THƯ - BẢO HÂN LDO | 07/12/2021 10:07
Thời điểm này những năm trước, chị Chức - lao động tự do ở Hà Nội - luôn vội vã ghi chép, “lên lịch” những buổi đến dọn dẹp nhà cửa cho các hộ gia đình. Năm nay, ảnh hưởng dịch COVID-19, công việc ít đi rõ rệt, chị Chức vô cùng lo lắng vì thu nhập giảm sút.

Việc ít

Cả buổi sáng hì hục lau hành lang 5 tầng của chung cư mini ở Cầu Giấy (Hà Nội), gần 12h trưa chị Trần Thị Chức (quê ở Vĩnh Phúc) - lao động tự do - mới hoàn thành công việc và trở về phòng trọ tại đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy). Lọt thỏm giữa những toà nhà cao tầng san sát, ít ai có thể ngờ giữa thủ đô vẫn còn những dãy nhà trọ xập xệ, cũ nát.

Quần áo phơi la liệt bên ngoài, khu vực tắm gội tềnh toàng. Phòng chị Chức cùng 3 lao động khác ở rộng chừng 8m2. Trong đó, giường ngủ, chỗ để đồ đạc và kê cả bếp nấu. Nơi này chị Chức đã thuê trọ được 3 năm, chị chọn ở đây vì rẻ! 

“Giá thuê phòng trọ này 1 triệu đồng/tháng; tiền nước 90.000 đồng/người; tiền điện dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Mùa hè ở đây thì cực, mùa đông 4 người ở chật chội nhưng vẫn cố chịu đựng để chia tiền ra cho rẻ” - chị Chức chia sẻ. 

Ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị Chức cũng xót ruột vì năm nay ít việc hơn hẳn. Chị ngồi nhẩm tính “hợp đồng” dọn dẹp 3 buổi 1 tuần tại một trường học của chị bị huỷ do trường đóng cửa, nhiều gia đình “ruột” chị nhận lau dọn cũng không gọi nữa vì họ sợ dịch. Chỉ còn lại duy nhất vài nơi nhận dọn dẹp, thời gian rảnh còn lại chị đi thu mua đồng nát.

Chị Chức cho hay: “Giờ mỗi ngày Hà Nội mấy trăm ca, nhiều ca trong cộng đồng nhưng tôi vẫn phải đi vì không đi thì đói, không có tiền. Mỗi lần ra ngoài tôi đeo hẳn 2 khẩu trang cho yên tâm”.

Mong có Tết 

Đã quá 12 giờ trưa, chị Phùng Thị Lam (sinh năm 1983, quê Vĩnh Phúc) mới trở về phòng trọ. Mấy chị em ở cùng góp gạo thổi cơm chung. Bữa trưa của các chị hôm nay khá thịnh soạn, có thịt kho tàu, nộm, xôi, rau… “Mấy chị em về chỉ việc cắm nồi cơm, luộc rau, đồ ăn kia được chủ nhà mà chúng tôi đến lau dọn họ cho. Bình thường chỉ rau đậu qua ngày” - chị Lam nói. 

“Ăn cơm bụi ở ngoài tốn tiền lắm nên tôi tranh thủ trưa về phòng trọ nấu ăn, vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh” - chị Lam giải thích. Vậy nên, mỗi ngày mỗi người chỉ mất vài chục nghìn để ăn uống, còn lại dành dụm tiền gửi về cho gia đình ở quê.

Chị Lam càng phải tiết kiệm hơn vì ít việc hơn so với năm trước, thu nhập cũng giảm đi. Tha hương, làm nghề dọn dẹp vệ sinh và buôn bán đồng nát đã 7-8 năm, chưa khi nào chị Lam thấy khó khăn như năm nay. Đợt giãn cách xã hội, chị Lam phải “nằm nhà” 3 tháng, không có thu nhập. Đến giữa tháng 10, chị mới lên Hà Nội để tiếp tục công việc.

Dịp cuối năm nay, chị Lam thấy ít việc hơn, khó khăn hơn so với năm trước. Ngoài những mối dọn nhà có sẵn, chị ít khi nhận được những cuộc gọi dọn nhà như năm trước. “Dịp này năm ngoái, tôi liên tục nhận được những cuộc gọi thuê dọn nhà, luôn tay, luôn chân; còn năm nay ít hẳn” - chị Lam chia sẻ.

Không chỉ dọn vệ sinh nhà, công việc thu gom, bán đồ đồng nát của chị cũng khó khăn hơn, khi nhiều người, có thể do lo ngại dịch bệnh, không muốn tiếp xúc với người lạ, nên không gọi những người như chị vào nhà để bán đồ. Một tháng, thu nhập của chị Lam từ công việc dọn vệ sinh, bán đồng nát được khoảng 7-8 triệu đồng. Trừ đi các khoản tiền sinh hoạt, còn lại bao nhiêu, chị đều gửi về quê cho gia đình. Vất vả, luôn lo lắng về “cơm áo gạo tiền” khiến chị Lam trông già hơn nhiều so với tuổi của mình. Chị chỉ mong cuối năm có nhiều việc hơn như mọi năm để chị kiếm thêm, cho một cái Tết đầy đủ bên gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn