MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cửu vạn trắng đêm “cõng việc” mưu sinh cuối năm

Hoài Trang LDO | 13/01/2021 16:42
Cửu vạn - tên gọi khác của nghề khuân, bốc vác thuê. Dưới cái rét của những ngày cuối năm, phận người cửu vạn tại chợ Long Biên (Q.Ba Đình, Hà Nội) vẫn cật lực “cõng việc", bán sức bên những xe hàng với hi vọng có một cái Tết đủ đầy.

Màn đêm buông xuống, khi vạn vật đã chìm trong giấc ngủ cũng là lúc những phận người cửu vạn bắt đầu một ngày làm việc.

Màn đêm buông xuống, những người cửu vạn tất bật cuộc mưu sinh tại khu chợ Long Biên. Ảnh: H.Trang

Tiếng còi xe giữa đêm hối hả, dòng người chen nhau bốc từng thùng hàng như xé sự tan tĩnh lặng của đêm đông buốt giá. Giữa biển hàng mênh mông, ai cũng mong được "bán sức" để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và có một cái Tết no đủ hơn.

Đa phần lao động bốc vác tại khu chợ Long Biên đều là người ngoại tỉnh từ những vùng quê nghèo. Dù quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" nhưng vẫn không đủ sống nên mới phải lên Hà Nội mưu sinh.

Thức trắng đêm chờ người giao việc, bà Nguyễn Thị Lanh (45 tuổi, quê Thanh Hóa) liên tục xoa hai tay vào nhau vì lạnh, khi có người gọi thì vội vàng bốc từng thùng hàng.

Một tối vừa bốc vác, vừa kéo xe bà Lanh sẽ kiếm được 200.000 đồng, hôm nào nhiều thì gần 400.000 đồng. Với số tiền kiếm đó, bà Lanh phải chi li từng đồng mới có dư. Thức ăn hằng ngày cũng chỉ qua loa rau dưa rồi đi làm.

Những người phụ nữ cõng việc giữa đêm đông giá rét. Ảnh: H.Trang

"Làm nghề bốc vác cực lắm, với cánh nam giới đã cực, huống gì những người phụ nữ chân yếu tay mềm như chúng tôi còn cực hơn gấp nhiều lần" - bà Lanh nói.

Bà Lanh nhớ lại những ngày khi mới làm nghề bốc vác, chưa quen việc, hôm nào đi làm về tay chân cũng sưng đỏ, đau nhức, ê ẩm khắp người, tưởng như không thể làm nổi.

Đã nhiều lần bà Lanh muốn bỏ về quê nhưng nghĩ về gia đình còn khó khăn, chỉ nhờ vào vài ba sào ruộng không đủ ăn, nên hễ ai thuê, cô lại bất chấp đi ngay.

Dù gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ cửu vạn nhưng với họ chỉ cần có việc để làm, dù khó khăn, vất vả họ đều chấp nhận.

Gánh trên đôi vai cơm áo gạo tiền, bà Lam một mình mưu sinh nơi đất khách. Ảnh: H.Trang

Bà Trương Thị Lam (48 tuổi, quê Hưng Yên) tâm sự, trước đây, vợ chồng bà lên Hà Nội làm nghề bốc vác thuê tại chợ Long Biên, nhưng không may chồng bị bệnh mất sớm.

Một tay bà phải nuôi 3 người con, hai người con đầu bị thần kinh, người con út thì còn nhỏ, cái khổ cứ chồng chất.

Trong ánh đèn mờ của khu chợ, bà Lam dáng người tiều tụy kể, trước đây, chồng bà còn sống hai vợ chồng đi làm cũng để dư được một khoản trang trải tiền thuốc, tiền ăn cho con. Từ khi chồng mất, con nhỏ suốt ngày ốm đau, bà phải chạy khắp nơi nhận bốc vác, kéo xe... ai thuê gì làm nấy, không cho mình một ngày ngơi tay.

Xe hàng nặng hàng vài tạ với những người cửu vạn là chuyện bình thường. Ảnh: H.Trang

Càng về đêm thời tiết càng lạnh, trong đêm tối mờ, những phận người làm nghề bốc vác vẫn phải gồng sức oằn mình, cõng việc. Thoăn thoắt xếp từng thùng hàng vào xe, ông Lê Văn Nam (50 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cho biết - mỗi chuyến hàng mà ông "cõng" sẽ nặng cả tạ.

Thùng nhỏ có giá 2.000 đồng, thùng 15kg thì 5.000 đồng, thùng nặng hơn được trả từ 8.000 - 10.000 đồng, trung bình mỗi buổi cật lực, ông Nam cũng kiếm được hơn 200.000 đồng.

Dịp cuối năm, họ chỉ mong có nhiều hàng vì một cái Tết no đủ.

“Năm nay ảnh hưởng của dịch COVID-19, những người cửu vạn như chúng tôi cũng ít việc hơn, chỉ mong những ngày cuối năm lượng công việc ổn định để có tiền trang trải cuộc sống và có một cái Tết đủ đầy khi năm mới đang cận kề” - ông Nam nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn