MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đưa các phiên giao dịch việc làm về tận xã đã giúp người lao động dễ dàng tiếp cận với nhà tuyển dụng. Ảnh: Nguyễn Tùng

Đa dạng hình thức tạo việc làm ở nông thôn

Nguyễn Văn Tùng LDO | 28/06/2023 11:24

Đưa các phiên giao dịch việc làm về tận xã; doanh nghiệp đi từng thôn bản với kế hoạch tuyển dụng lao động bài bản là cách nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đang triển khai để tăng hiệu quả kết nối cung cầu lao động, hạn chế tỉ lệ thất nghiệp tại nông thôn.

Nhờ một lần tới nhà văn hóa thôn để nghe doanh nghiệp giày da thông báo tuyển dụng lao động, anh Nguyễn Hữu Tấn ở xã Kháng Nhật (Sơn Dương, Tuyên Quang) tìm được việc làm. Hiện anh đang làm công nhân tại Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh thuộc cụm công nghiệp xã Phúc Ứng (Sơn Dương) với mức thu nhập trung bình hơn 5 triệu đồng/tháng.


Anh Tấn cho biết: “Tôi quanh năm đi rừng làm rẫy nên không biết thông tin tuyển dụng. Tháng 2.2023, công ty giày về tận nhà văn hóa thôn để thông báo tìm công nhân, tôi thấy hợp thì đi làm luôn. Mặc dù lương không cao nhưng ổn định, gia đình có thêm khoản chi tiêu hàng tháng, công ty gần nhà nên tôi còn có thời gian chăm sóc đồi keo vào cuối tuần”.


Anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) có được công việc lái máy xúc sau khi tìm đến phiên giao dịch việc làm tổ chức tại UBND xã. Năm 2022 anh đi làm công nhân tại công trình xây dựng ở Hà Nội nhưng đến khi về nghỉ Tết thì được thông báo hết việc, anh phải nghỉ 3 tháng ở nhà.


“Cách đây hơn 2 tháng tôi được Công ty TNHH Hiệp Phú Tuyên Quang tuyển dụng làm công nhân lái máy công trình, cũng nhờ phiên giao dịch việc làm về tận xã. Làm việc ngay trong tỉnh đỡ được khoản đi lại, cuối tuần, cuối tháng có thời gian về nhà nên yên tâm gắn bó” - anh Hòa tâm sự.


Ông Nguyễn Đức Chính - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tuyên Quang - cho biết, địa bàn miền núi rộng, đi lại khó khăn, người lao động vùng sâu vốn có tâm lí ngại đi nên đưa các phiên giao dịch việc làm về tận xã đã cho thấy hiệu quả tốt. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn tận dụng hệ thống loa truyền thanh ở các xã, rồi tạo điều kiện để doanh nghiệp về tới từng thôn bản thông báo tìm lao động. Ngoài việc kết nối trong tỉnh, các phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các tỉnh, thành phố cũng giải quyết được một lượng lớn lao động chưa có việc làm.


Ông Hoàng Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang - cho hay, năm 2023 tỉnh đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho 22.000 lao động. Để hoàn thành mục tiêu này, cần đa dạng các hình thức kết nối người lao động với nhà tuyển dụng, từ trực tiếp đến trực tuyến, từ các trung tâm tại tỉnh, huyện đến từng xã, thôn bản.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, từ đầu năm 2023 đến nay, địa phương này đã giải quyết việc làm mới cho hơn 12.000 lao động, đạt hơn 50% kế hoạch năm. Trong đó, giải quyết việc làm trong các ngành kinh tế ngay tại tỉnh cho 6.073 lao động, 3.453 lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố trong nước và 535 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn