MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thành lập CĐCS Công đoàn Công ty TNHH Baller Headwear Việt Nam thuộc Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: Thành Danh

Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước

Tường Minh LDO | 06/12/2023 09:18

Các cấp Công đoàn TP Đà Nẵng đã nỗ lực tuyên truyền, vận động thành lập Công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đem lại lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp.

Kiên trì tuyên truyền vận động

Bà Phan Thị Thúy Linh - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng - cho biết: Nhận thức công tác phát triển đoàn viên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XVII nhiệm kỳ 2023-2028 đã đặt mục tiêu phát triển mới 53.000 đoàn viên đến cuối nhiệm kỳ. “Đây là con số không nhỏ, đòi hỏi tổ chức Công đoàn phải thực sự phát triển nhanh chóng về số lượng, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức của mình” - bà Linh nói.

Là một trong 4 doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn ngay sau Đại hội Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Sumko Phạm Bảo Chung cho biết, sau khi được vận động, 27 công nhân đã tự nguyện gia nhập tổ chức Công đoàn. Ban Chấp hành Công đoàn công ty đề ra nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2023 là tích cực chăm lo đời sống công nhân, người lao động dịp Tết Giáp Thìn 2024; chia sẻ, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của người lao động để có những đề xuất phù hợp với lãnh đạo.

Trên thực tế, việc tiếp cận với doanh nghiệp ngoài Nhà nước để vận động thành lập tổ chức Công đoàn gặp rất nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung, nhiều doanh nghiệp FDI đủ điều kiện luôn tìm cách né tránh, trì hoãn việc thành lập tổ chức Công đoàn. Một trong những lý do là các doanh nghiệp FDI có trụ sở tại nhiều quốc gia, tổ chức Công đoàn ở các quốc gia đó có tính chất hoạt động khác với Công đoàn Việt Nam. Vì vậy, ban đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp thường không “mở lòng” trong việc thành lập Công đoàn tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cán bộ Công đoàn làm công tác vận động luôn kiên trì, bền bỉ tuyên truyền để lãnh đạo doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tổ chức Công đoàn tại Việt Nam.

“Có doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn phải mất 4 - 5 năm tiếp cận trao đổi mới nhận được sự đồng ý của lãnh đạo. Các doanh nghiệp FDI phần lớn có chính sách hỗ trợ người lao động rất tốt, nên khi có tổ chức Công đoàn họ càng phát huy được hiệu quả” - ông Trung nói.

Tăng niềm tin của người lao động

Khi đã thành lập, tổ chức Công đoàn phải nỗ lực triển khai những hoạt động hiệu quả, khẳng định vai trò tại doanh nghiệp để người lao động tin tưởng, xin gia nhập và gắn bó lâu dài. Theo ông Nguyễn Thành Trung, hiện nay các hoạt động tập trung hướng về cơ sở, khi xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động của Công đoàn phải lấy ý kiến từ cơ sở để có nội dung phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở với vai trò của mình phải tăng cường giám sát bảo đảm việc chi trả lương, thưởng, thực hiện các chế độ chính sách đúng thời hạn cho người lao động.

“Công đoàn KCNC&CKCN Đà Nẵng thường xuyên tổ chức những lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh cho các cán bộ Công đoàn cơ sở. Trong những hội nghị người lao động hay ký kết thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn phải là người có năng lực đối thoại, nắm rõ các quy định về chế độ, chính sách để cân bằng, hài hòa giữa lợi ích chủ doanh nghiệp và người lao động. Từ đó, Công đoàn sẽ là điểm tựa cho người lao động, đồng thời cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định sản xuất...” - ông Trung nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn