MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chất lượng bữa ăn ca của người lao động ở Đà Nẵng ngày một tăng. Ảnh: Tường Minh

Đà Nẵng: Không còn những bữa ăn ca chỉ 9.000 đồng

Tường Minh LDO | 13/09/2022 15:34
Đà Nẵng - Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không còn những bữa ăn ca chỉ 9.000 đồng/suất.

Đã tăng gần gấp đôi

Chị Lê Thị Hương, 47 tuổi, là người lao động lâu năm của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hồi năm 2017, chị Hương đã chủ động tìm đến Báo Lao Động để thay mặt đồng nghiệp “phàn nàn” và nhờ liên tiếng về việc bữa ăn ca của nơi chị làm việc chỉ có 9.000 đồng/người/suất.

Trong khi mức bình quân của các doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố thời điểm đó là 15.000 đồng/người/suất.

Đây là mức tối thiểu theo Nghị quyết số 07C về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành vào năm 2016.

LĐLĐ thành phố Đà Nẵng triển khai kiến thức ATVSTP cho các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp. Ảnh: Tường Minh

Tròn 5 năm sau, chúng tôi chủ động liên lạc với chị Hương và biết chị vẫn làm việc ở công ty cũ nhưng “không chỉ thu nhập tăng mà tiền ăn ca của người lao động cũng tăng lên 15.000 từ cách đây mấy năm nhờ tiếng nói của quý báo cũng như quá trình lên xuống vận động của tổ chức Công đoàn với chủ doanh nghiệp”.

Chị Hương bảo mình và anh chị em đồng nghiệp rất vui và hạnh phúc vì “15.000 đồng một bữa ăn ca chỉ là mức trung bình, nhưng so với thời điểm năm 2017 là đã tăng gần gấp đôi. Giờ không chỉ được ăn no mà còn ngon nữa”, chị Hương nói.

Cũng là mức tối thiểu 15.000 đồng/người/suất nhưng người lao động của Công ty CP Dệt may 29.3 ở thành phố Đà Nẵng còn vui và hạnh phúc hơn chị Hương bởi khẩu vị liên tục thay đổi theo yêu cầu.

Và 15.000 đồng chỉ tính tiền chợ, chưa tính chi phí khác như ga, gạo... Đặc biệt, 15.000 là quy định chung đối với cá, còn những bữa ăn thịt thì số tiền còn nhiều hơn, theo như “bật mí” của bà Lê Thị Hải Châu, Chủ tịch Công đoàn.

Đặc biệt, bữa ăn ca của người lao động ở Công ty CP Dệt may 29.3, chủ doanh nghiệp chỉ thu tượng trưng mỗi lao động 1.000 đồng/bữa để ràng buộc trách nhiệm, kiểu “hôm nay đi đám cưới bạn, không ăn ca thì phải báo cho nhà bếp biết để cắt cơm, tránh lãng phí”, bà Lê Thị Hải Châu nói.

Vận động lên 18.000 - 20.000 đồng

Theo số liệu từ Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, tính từ thời điểm gần nhất – năm 2016, khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Nghị quyết số 07C về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, trong đó yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo giá trị bữa ăn ca của người lao động tối thiểu là 15.000 đồng/người/suất.

Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã liên tục chỉ đạo Công đoàn các cấp nghiêm túc thực hiện giám sát, vận động doanh nghiệp thực hiện tốt bữa ăn giữa ca cho người lao động.

Và qua kiểm tra, giám sát, hiện có khoảng 20% số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có mức ăn ca với giá trị từ 15.000 đồng trở lên.

Cá biệt có những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có bữa ăn ca đến 40.000 đồng/người/suất. Số còn lại có mức ăn giữa ca với giá trị đạt 15.000 đồng và gần như không còn doanh nghiệp có bữa ăn ca dưới mức 15.000 đồng/người/suất.

Ngoài việc kiểm tra, thương lượng, vận động để nâng chất lượng bữa ăn ca lên lức tối thiểu và cao hơn, các cấp Công đoàn cũng chủ động, đẩy mạnh triển khai công tác giám sát, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm trong các bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp...  

Hoạt động của các cấp Công đoàn đã thu hút nhiều doanh nghiệp tích cực thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho bữa ăn công nhân.

Song, trên thực tế, tình trạng sử dụng thực phẩm giá rẻ, không kiểm soát được nguồn gốc, nơi bố trí nhà ăn, hệ thống cấp, thoát nước không đảm bảo cho an toàn thực phẩm vẫn còn.

Mặt khác, một số doanh nghiệp đặt suất ăn qua đơn vị trung gian cung cấp thực phẩm… cũng dễ dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát 100% doanh nghiệp trên địa bàn các khu công nghiệp có bếp ăn tập thể cho người lao động.

Tổ chức tập huấn tại các doanh nghiệp, phát hành tờ rơi tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm. Vận động chủ doanh nghiệp, bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp thực hiện và ký cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục vận động nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca từ mức tối thiểu 15.000 đồng/người/suất lên 18.000 - 20.000 đồng/người/suất để giúp người lao động tái tạo sức lao động và yên tâm làm việc”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn