MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động huyện Hòa Vang làm việc tại huyện Yeongyang, Hàn Quốc. Ảnh: Phòng LĐTBXH huyện Hoà Vang

Đà Nẵng: Người lao động không mặn mà với xuất khẩu lao động

Tường Minh LDO | 13/03/2023 08:33
Đà Nẵng - Dù nhu cầu việc làm lớn, nhưng Đà Nẵng lại là địa phương ở miền Trung có rất ít lao động chịu đi xuất khẩu lao động.

Mỗi tháng thu nhập 31 triệu đồng

Từ năm 2017, huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng và huyện Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc đã ký kết một chương trình hợp tác xúc tiến và triển khai chương trình hợp tác về trao đổi kỹ thuật và nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Trong đó, tập trung triển khai chương trình đưa người lao động của thành phố Đà Nẵng đi làm việc thời vụ tại huyện Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc về việc cử tu nghiệp sinh làm việc tại Hàn Quốc. 

Người lao động của huyện Hoà Vang sang làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh: Phòng LĐTBXH thành phố Đà Nẵng 

Và trong năm 2021, ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, huyện Hòa Vang đã đưa khoảng 633 lao động có hộ khẩu tại địa phương sang làm việc tại huyện Yeongyang.

Ông Lâm Tiến Sĩ - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Hòa Vang - cho biết: Đến thời điểm này thì số lao động nói trên đã hoàn thành đúng thời hạn hợp đồng, trong đó có 9 lao động kết thúc trước thời hạn do một số lý do bất khả kháng. 

Phía huyện Yeongyang đánh giá cao sự hợp tác, kỹ năng làm việc của người lao động và đề nghị được tiếp tục chương trình hợp tác trong năm 2023 với số lượng lao động tham gia lớn hơn.

“Người lao động của mình học tập được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có thu nhập khá cao, bình quân mỗi lao động thu nhập trên 110 triệu đồng mỗi đợt làm việc 3 tháng. Kết thúc các đợt, tổng thu nhập người lao động mang về trên địa bàn huyện trên 52 tỉ đồng. 

Đây là một trong những giải pháp đột phá trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đối với những lao động nông nghiệp nằm trong vùng dự án, diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng” - ông Lâm Tiến Sĩ nói.

Cũng theo ông Lâm Tiến Sĩ, tính đến thời điểm hiện tại, UBND huyện tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình tu nghiệp sinh nông nghiệp tại huyện Yeongyang.

Cần chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động

Câu chuyện hợp tác giữa huyện Hoà Vang của thành phố Đà Nẵng và huyện Yeongyang của Hàn Quốc là một trong những ví dụ về tiềm năng và sự thành công không chỉ về mặt tài chính của xuất khẩu lao động ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, đáng tiếc là vì nhiều lý do, câu chuyện Yeongyang hiện chưa được nhân rộng.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn hiện tập trung chủ yếu ở 3 hình thức phổ biến, đó là thông qua doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động; thông qua hình thức thực tập nâng cao tay nghề và theo hợp đồng cá nhân tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và Hàn Quốc của chương trình EPS (Employment Permit System) do Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện. 

Theo ông Võ Văn Tiến - Trưởng phòng Chính sách - Việc làm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, lâu nay, các đơn vị hoạt động xuất khẩu lao động đóng trên địa bàn Đà Nẵng nhưng hoạt động khắp các tỉnh miền Trung, vì thế người lao động đi xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố tập trung là lao động ngoại tỉnh, lao động của thành phố Đà Nẵng tham gia xuất khẩu lao động rất thấp. Do đó, chưa thực sự tham gia tích cực vào mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động của Đà Nẵng.

Thực tế, nhu cầu việc làm rất lớn nhưng số lượng người có hộ khẩu thành phố Đà Nẵng tham gia vào chương trình xuất khẩu lao động chiếm tỉ lệ rất thấp, chỉ 22,5%/tổng số lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, trong gần 10 năm (2013-2022), các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã đưa 2.008 người lao động đi làm việc ở nước ngoài (không tính con số hợp tác giữa huyện Hoà Vang với Hàn Quốc), trong đó lao động có hộ khẩu tại Đà Nẵng là 493 người.

Do đó, để giải quyết việc làm cho người lao động nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững, thành phố cần có chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là lao động nghèo ở khu vực nông thôn.

Cụ thể, ông Võ Văn Tiến cho hay, các địa phương, đơn vị có liên quan cần tăng cường tuyên truyền chương trình hỗ trợ cho vay vốn đối với hộ nghèo có lao động tham gia xuất khẩu lao động, tập trung nguồn lực kết hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với lao động nghèo để đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động. 

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đẩy mạnh phối hợp Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho lao động đi làm việc nước ngoài về nước.

Đồng thời đưa hoạt động đào tạo trở thành một hoạt động thường xuyên để chuẩn bị lực lượng lao động có tay nghề, được đào tạo và giáo dục định hướng tốt để cung ứng lao động kịp thời và phù hợp với yêu cầu thị trường lao động ở nước ngoài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn